| | |
Tiến sĩ. Klaus WUCHERER Chủ tịch IEC | Ông Terry HILL Chủ tịch ISO | Tiến sĩ. Hamadoun I.TOURÉ Tổng thư ký ITU |
Ngày nay cộng đồng quốc tế đang đối mặt với những tay đổi của thị trường toàn cầu cũng như sự cần thiết để cân bằng các giải pháp đối với các thách thức của nền kinh tế vĩ mô cùng với những đòi hỏi cấp bách phải có hành động thiết thực đối với vấn đề biến đổi khí hậu. Trong bối cảnh phức tạp này, các tiêu chuẩn quốc tế được coi như các công cụ mạnh mẽ để dẫn đến các thay đổi tích cực bằng cách chi tiết hóa các yêu cầu để từ đó giúp mở rộng ra thị trường toàn cầu, cho phép tạo ra môi trường kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giúp giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Tiêu chuẩn quốc tế thể hiện sự đồng thuận về quan điểm của các chuyên gia hàng đầu thế giới trong các lĩnh vực công nghiệp khác nhau từ các ngành công nghiệp năng lượng và hiệu quả năng lượng đến giao thông vận tải, các hệ thống quản lý, biến đổi khí hậu, chăm sóc sức khỏe, an toàn và công nghệ thông tin truyền thông (ICT). Với tinh thần tự nguyện mang kiến thức của mình phục vụ cho lợi ích cộng đồng, các chuyên gia từ các lĩnh vực này và nhiều lĩnh vực khác đã cùng nhau xây dựng các tiêu chuẩn để qua đó chia sẻ sự đổi mới với tất cả các quốc gia trên toàn thế giới và cũng qua đó cung cấp cho các doanh nghiệp, chính phủ và xã hội nền tảng vững chắc đối với những thay đổi tích cực.
Các tiêu chuẩn hỗ trợ cho sự tăng trưởng kinh tế nhanh chóng ở các quốc gia đang phát triển bằng cách đưa ra những qui phạm thực hành tốt nhất có thể giúp cho họ tránh “lãng phí thời gian để tạo một thứ gì mà nó đã có rồi và được làm tốt rồi”. Với yêu cầu được đưa ra về mối tương quan chặt chẽ giữa tăng trưởng kinh tế và đô thị hóa, các tiêu chuẩn đang trở nên ngày càng quan trọng trong việc giúp các thành phố phát triển cơ sở hạ tầng bền vững và thông minh hơn nhằm biến những thành phố này thành những thành phố lý tưởng để sống.
Các tiêu chuẩn quốc tế đảm bảo rằng các sản phẩm, dịch vụ và môi trường sẽ trở nên dễ tiếp cận hơn cho những người tàn tật.
Các tiêu chuẩn cũng được áp dụng như những công cụ giúp làm giảm biến đổi khí hậu bằng cách cải thiện hiệu quả năng lượng, giảm chất thải và phát thải khí nhà kính. Các tiêu chuẩn chia sẻ những qui phạm thực hành tốt nhất trong sản xuất năng lượng tái tạo, cung cấp các quá trình có ưu thế vượt trội đối với việc tái chế và loại bỏ chất thải. Các tiêu chuẩn cũng được áp dụng như các công cụ để nâng cao hiệu quả và tính bền vững của mội trường trong tất cả các lĩnh vực công nghiệp.
Các cơ quan tiêu chuẩn quốc tế như Ủy ban Kỹ thuật điện quốc tế - IEC, Tổ chức Tiêu chuẩn hóa quốc tế - ISO và Tổ chức Viễn thông quốc tế - ITU đã gắn kết hàng ngàn các tiêu chuẩn quốc gia và khu vực lại với nhau để từ đó hài hòa thành các qui phạm thực hành tốt nhất toàn cầu, loại bỏ các rào cản kỹ thuật đối với thương mại và thúc đẩy việc chia sẻ những tiến bộ kinh tế - xã hội.
Những lợi ích này cuối cùng sẽ được chuyển tới người tiêu dùng với nhiều hình thức lựa chọn hơn, chất lượng tăng và giá thành giảm.
Ngày nay IEC, ISO và ITU đang sử dụng những lợi ích đã được trải nghiệm theo thời gian của việc tiêu chuẩn hóa để tạo cầu nối cho việc đạt được sự đồng thuận toàn cầu về các biện pháp tiếp cận tốt nhất đối với những thách thức hiện tại về kinh tế, xã hội và môi trường. Các nguyên tắc đang được vận dụng dưới hình thức tiêu chuẩn hóa quốc tế ngày nay thực sự phù hợp hơn bao giờ hết. Các tiêu chuẩn tiếp tục đảm bảo sự thay đổi tích cực bằng cách loại bỏ các rào cản đối với việc trao đổi thông tin và hợp tác và công việc của IEC, ISO và ITU vẫn là duy trì đầu mối trung tâm để xây dựng các tiêu chuẩn nhằm chia sẻ kiến thức giữa tất cả các quốc gia trên thế giới cũng như xây dựng nền tảng cho sự thịnh vượng toàn cầu.
Lan Anh, P. NCPT - QUACERT
(theo nguồn www.iso.org)