Biến đổi khí hậu và các hành động đáp ứng

Biến đổi khí hậu hiện là một trong những thách thức lớn nhất mà tất cả các quốc gia, các chính phủ, các tổ chức và các công dân đang phải đối mặt. Biến đổi khí hậu đã và đang tác động nghiêm trọng đến mọi hoạt động sản xuất, đời sống và môi trường trên phạm vi toàn cầu. Để giải quyết những thách thức này đòi hỏi một nỗ lực chung của cả cộng đồng quốc tế trong đó có Việt Nam. Bên cạnh cơ chế phát triển sạch (CDM) được hình thành dựa trên cơ sở thỏa thuận của các nước tham gia ký Nghị định thư Kyoto ra đời năm 1997, các sáng kiến khác nhằm góp phần giảm phát thải khí nhà kính đã và đang được các bên liên quan khuyến khích thực hiện. Một trong số đó là cơ chế Bù trừ tín chỉ song phương (BOCM/JCM) hay còn gọi là Cơ chế tín chỉ kết hợp (JCM), sáng kiến được đưa ra bởi Nhật Bản trong việc hợp tác song phương với các nước đang phát triển như Việt Nam để duy trì các hành động giảm phát thải khí nhà kính.

Mục đích của BOCM/JCM:

  • Tạo điều kiện nhân rộng các công nghệ, sản phẩm, hệ thống, dịch vụ, và cơ sở vật chất, trang thiết bị tiên tiến có mức phát thải carbon thấp, cũng như thực hiện các hoạt động giảm nhẹ và góp phần phát triển bền vững ở các quốc gia đang phát triển;
  •  Đánh giá hợp lý các đóng góp vào giảm hoặc loại bỏ phát thải KNK từ các nước phát triển theo một cách thức có thể định lượng được, thông qua các hoạt động giảm nhẹ được thực hiện tại các quốc gia đang phát triển và sử dụng các kết quả đó để đạt được mục tiêu giảm phát thải của các quốc gia phát triển; 
  • Góp phần đạt được mục tiêu cao nhất của UNFCCC (Công ước khung của liên hợp quốc về biến đổi khí hậu) bằng việc hỗ trợ các hoạt động toàn cầu vì mục tiêu giảm hoặc loại bỏ phát thải khí nhà kính;




Quy trình thực hiện BOCM/JCM

Hai nước tham gia sẽ thành lập một Ủy ban hỗn hợp để điều hành các dự án BOCM/JCM

  • Ủy ban hỗn hợp sẽ tiến hành xây dựng các Quy tắc thực hiện và các quy tắc khác cũng như các hướng dẫn cần thiết cho việc thực hiện BOCM/JCM; 
  • Ủy ban hỗn hợp có quyền quyết định phê duyệt hoặc hủy bỏ các phương pháp đề xuất; 
  • Ủy ban hỗn hợp sẽ tiến hành chỉ định một Bên thứ ba hoặc bác bỏ đề nghị làm Bên thứ ba theo các yêu cầu đối với việc chỉ định các Bên thứ ba; 
  • Mỗi Chính phủ thành lập và duy trì một cơ quan đăng ký theo các quy định chung được thống nhất giữa hai bên;

Ủy ban hỗn hợp sẽ ban hành các quy định bao gồm:

(1) Quy tắc về hoạt động của Ủy ban hỗn hơp;
(2) Các hướng dẫn xây dựng phương pháp thực hiện;
(3) Phương pháp luận;
(4) Quy định chỉ định các bên thứ ba;
(5) Hướng dẫn quá trình thẩm định;
(6) Hướng dẫn quá trình giám sát;
(7) Hướng dẫn thẩm tra giảm/loại bỏ phát thải KNK;
(8) Các quy định chung đối với cơ quan đăng ký;
(9) Mẫu PDD (Tài liệu thiết kế dự án), yêu cầu đăng ký dự án BOCM, báo cáo giám sát, yêu cầu thẩm tra giảm/loại bỏ phát thải,...; 



Vai trò của QUACERT

QUACERT là một tổ chức cung cấp các dịch vụ chứng nhận giảm phát thải, với vai trò là một bên thứ ba độc lập tiến hành các hoạt động thẩm định và kiểm tra xác nhận lượng giảm phát thải khí nhà kính cho các dự án BOCM/JCM. 

Dự án “Nghiên cứu chứng minh MRV thông qua việc sử dụng mô hình thí điểm - Cải thiện hiệu suất năng lượng tích hợp tại nhà máy bia” được triển khai ở Công ty Cổ phần Bia Thanh Hóa là dự án đầu tiên được QUACERT tiến hành đánh giá thẩm định và thẩm tra xác nhận lượng giảm phát thải khí nhà kính. Đây là một phần của hoạt động trong khuôn khổ chương trình nghiên cứu hoàn thiện mô hình hợp tác “Cơ chế bù trừ tín chỉ song phương” (BOCM) hay còn gọi là “Cơ chế tín chỉ hỗn hợp” (JCM) giữa hai chính phủ Việt Nam và Nhật bản được tài trợ vốn bởi Chính phủ Nhật.

Hiện tại, QUACERT đang hoàn tất các thủ tục nhằm sớm đạt được Giấy chứng nhận công nhận năng lực thẩm định và thẩm tra xác nhận lượng giảm phát thải khí nhà kính phù hợp với tiêu chuẩn ISO 14065:2013 bởi một tổ chức công nhận thuộc diễn đàn IAF

Quá trình thẩm tra bao gồm các bước: 

1. Thẩm định dự án: Là quá trình xem xét đánh giá các tài liệu của dự án phù hợp với các tiêu chí và quy định đề ra bởi Ủy ban hỗn hợp, các tài liệu chủ yếu gồm:

Ø  Thiết kế dự án

Thông tin chung về dự án, lượng giảm phát thải ước tính, đặc điểm kỹ thuật của dự án, kế hoạch triển khai dự án, các chỉ số phát triển bền vững và giai đoạn tín dụng dự kiến của dự án.

Ø  Nghiên cứu phát thải cơ sở

Nghiên cứu về các yếu tố được dùng để ước tính lượng phát thải khi chưa có dự án (phát thải cơ sở).

Ø  Phương pháp luận và kế hoạch giám sát

Mô tả tần suất, trách nhiệm và phương pháp giám sát, đo lường và tính toán giảm phát thải KNK, bao gồm cả kế hoạch thẩm tra dự kiến.

2. Thẩm tra và chứng nhận: Là quá trình xem xét, đánh giá nhằm xác định lượng giảm phát thải thực tế của các hoạt động gây nên bởi dự án BOCM/JCM. Kết quả của quá trình này là việc ban hành tín chỉ dưới dạng chứng nhận giảm phát thải (CERs), gồm các hoạt động triển khai trên hiện trường như:

Ø  Đánh giá kết quả giám sát và các hệ thống thu thập số liệu liên quan đến giảm phát thải.

Ø  Đánh giá các quy trình thực hiện được thiết lập trên thực tế và độ chính xác của số liệu thu thập và thiết bị giám sát.

Ø  Đánh giá các hệ thống quản lý hỗ trợ cho việc thực hiện nhằm đạt khối lượng giảm phát thải được báo cáo.

Ø  Phỏng vấn các bên tham gia dự án (PPs) và các bên liên quan.

Ø  Thẩm tra, tính toán xác nhận lượng giảm phát thải đạt được.

Sau khi hoàn tất quá trình kiểm tra xác nhận, QUACERT sẽ ban hành báo cáo chứng nhận lượng giảm phát thải (CERs) đạt được của dự án.