Đối với tổ chức kinh doanh, phát triển bền vững có nghĩa là áp dụng chiến lược và hoạt động kinh doanh đáp ứng nhu cầu của tổ chức và các bên liên quan như khách hàng, người lao động, cộng đồng... đồng thời bảo vệ, duy trì và tăng cường nguồn nhân lực, giảm bớt việc khai thác tài nguyên thiên nhiên.
ESG là gì và tại sao nó lại quan trọng đối với tổ chức?
Khái niệm về ESG lần đầu tiên đề cập trong một ấn phẩm của nhà kinh tế học Hoa Kỳ Howard R. Bowen’s vào năm 1953 dưới dạng CSR (Corporate Social Responsibility - trách nhiệm xã hội của tổ chức) và vào năm 2004 khái niệm này chính thức xuất hiện lần đầu tiên trong một bản báo cáo của Liên hợp Quốc có tên “Who cares wins” (“Ai quan tâm sẽ thắng”). Báo cáo đề cập tới khái niệm ESG trong bối cảnh hiện đại. Điều này có ý nghĩa rất lớn, khuyến khích tất cả các bên liên quan trong kinh doanh ủng hộ việc áp dụng ESG lâu dài.
Cho tới nay, ESG đã có thay đổi từ các tiêu chí chuyên biệt tiến tới là nhóm tiêu chí đánh giá toàn cảnh bức tranh kinh doanh của tổ chức, làm cơ sở cho các nhà đầu tư tài chính, trở thành một thuật ngữ chung để chỉ cách mà nhà quản trị tổ chức hay thương hiệu cân nhắc những tác động của tổ chức và sản phẩm lên môi trường, xã hội và nhân sự của họ. Bộ tiêu chuẩn ESG bao gồm 3 nhóm tiêu chuẩn, cụ thể như sau:
E - Evironmental: Nhóm tiêu chuẩn liên quan đến các vấn đề về bảo vệ môi trường và tài nguyên thiên nhiên như: tác động từ biến đổi khí hậu, phát thải carbon, quản lý nước và chất thải gây ô nhiễm, khai thác tài nguyên rừng,…
S - Social: Nhóm tiêu chuẩn liên quan đến toàn xã hội, từ các vấn đề cơ bản như sự hài lòng của khách hàng đến những vấn đề có tính tổng thể như tính đa dạng, công bằng và hòa nhập, quyền con người, an ninh và bảo mật dữ liệu, quan hệ cộng đồng,…
G - Governance: Nhóm tiêu chuẩn liên quan đến hoạt động của tổ chức như vấn đề liên quan đến quản trị tổ chức, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ,…
Sơ đồ minh họa các hạng mục của ESG.
ESG đưa ra bộ nguyên tắc hướng dẫn giúp các tổ chức đưa ra quyết định có ý thức về môi trường và xã hội. Ba hạng mục ESG tương ứng với ba trụ cột của mô hình kinh doanh bền vững đó là trụ cột Môi trường, trụ cột Xã hội và trụ cột Quản trị doanh nghiệp. Tuy nhiên, ESG bổ sung vào mô hình kinh doanh bền vững bằng cách đưa ra các tiêu chuẩn cần đáp ứng theo từng danh mục để củng cố cho các khía cạnh của sự phát triển bền vững.
E - Yếu tố môi trường
Các yếu tố môi trường đề cập đến tác động tới môi trường và thực tiễn quản lý rủi ro từ hoạt động của một tổ chức. Các yếu tố này bao gồm sự phát thải khí thải nhà kính trực tiếp và gián tiếp, quản lý đối với tài nguyên thiên nhiên và khả năng phục hồi tổng thể của các tổ chức trước rủi ro khí hậu tự nhiên (biến đổi khí hậu, lũ lụt, hỏa hoạn,...).
Các tiêu chí môi trường đề cập đến tác động của tổ chức đối với thế giới tự nhiên của chúng ta. Điều này bao gồm các biện pháp nhằm giảm lượng khí thải carbon, quản lý hiệu quả chất thải, ngăn ngừa ô nhiễm, tiết kiệm năng lượng, bảo tồn tài nguyên hay kinh tế tuần hoàn.
Đáp ứng yêu cầu của tiêu chí môi trường có nghĩa là tổ chức báo cáo công khai tác động của họ đối với môi trường. Việc này có thể ở dạng báo cáo bền vững và từ chứng nhận tổ chức xanh, ví dụ như Chứng nhận kiểm kê phát thải khí nhà kính, chứng nhận nhãn xanh. Cả hai đều yêu cầu đưa ra các chỉ tiêu đo lường, theo dõi và ghi lại dấu vết môi trường của tổ chức, đồng thời chứng minh cho các bên liên quan chính rằng tổ chức đang thực hiện trách nhiệm với môi trường một cách nghiêm túc.
Theo báo cáo Chỉ số kinh doanh bền vững năm 2022 cho thấy 66% người tiêu dùng Hoa Kỳ và 80% thanh niên Hoa Kỳ được khảo sát (những người từ 18-34 tuổi) sẵn sàng trả nhiều tiền hơn cho các sản phẩm thân thiện với môi trường so với sản phẩm tương tự nhưng kém bền vững hơn của đối thủ cạnh tranh.
Ngoài ra, theo Báo cáo Rủi ro Toàn cầu năm 2022 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới, những rủi ro hàng đầu mà nền kinh tế của chúng ta phải đối mặt là thất bại trong các hành động về khí hậu, thời tiết khắc nghiệt và mất đa dạng sinh học. Với suy nghĩ này, các nhà đầu tư muốn bỏ tiền của họ vào các tổ chức kinh doanh có chiến lược mạnh mẽ để loại bỏ những rủi ro này. Các bên liên quan, nhà đầu tư, cổ đông và cơ quan chính phủ sẽ xem xét hiệu suất, điểm số và xếp hạng ESG của tổ chức trong lĩnh vực môi trường.
S - Yếu tố xã hội
Trụ cột của yếu tố xã hội là đề cập đến mối quan hệ của một tổ chức với các bên liên quan và dấu hiệu nổi bật của ESG là cách các kỳ vọng về tác động xã hội đã vươn rộng ra bên ngoài tổ chức và đến các đối tác trong chuỗi cung ứng, đặc biệt là những đối tác ở các nền kinh tế đang phát triển nơi tiêu chuẩn về môi trường và lao động có thể kém hiệu quả hoặc ít được quan tâm hơn.
Các tiêu chí xã hội xem xét cách một tổ chức tham gia với cộng đồng nơi tổ chức hoạt động và cách tổ chức đối xử với lực lượng lao động của mình. Các tiêu chí bao gồm phòng chống sử dụng lao động bất hợp pháp, thực thi các biện pháp an toàn và sức khỏe tại nơi làm việc, hỗ trợ quyền LGBTIQ+, ngăn chặn hành vi sai trái tình dục, chăm sóc sức khỏe của nhân viên và điều hành chuỗi cung ứng có đạo đức.
Phát triển bền vững đang là xu thế tất yếu của các quốc gia trên thế giới.
Tổ chức cần có các chính sách hòa nhập và đa dạng, một môi trường làm việc công bằng và xây dựng thương hiệu trong cách đối xử với nhà cung cấp, khách hàng và cộng đồng xung quanh.
Các tổ chức hiện đại hoạt động trong một thế giới có các quy định xã hội chặt chẽ, tạo ra lực lượng lao động đa dạng và bình đẳng, đồng thời củng cố quyền con người cũng như sức khỏe và an toàn tại nơi làm việc. Các quy định này thắt chặt như một phương pháp quản lý rủi ro để ngăn ngừa các thảm họa phá sản.
Bỏ qua trách nhiệm xã hội khiến tổ chức dễ bị tổn thất lớn trước một cuộc khủng hoảng quan hệ công chúng, đe dọa cuộc sống và phúc lợi của con người. Như vậy, đầu tư có trách nhiệm với xã hội đã thu hút sự quan tâm của các bên có liên quan này và xu hướng này tiếp tục phát triển.
G - Yếu tố quản trị
Các tiêu chí quản trị bao gồm chính sách, quy trình và thực tiễn tạo ra các quy tắc ra quyết định chỉ đạo và kiểm soát một tổ chức. Các tiêu chí ESG của quản trị liên quan đến lãnh đạo, kiểm toán, trả lương cho giám đốc điều hành, quyền của cổ đông và kiểm soát nội bộ.
Hạng mục quản trị cũng xem xét liệu một tổ chức có sắp xếp lại các cuộc họp bầu hội đồng quản trị, có một ban giám đốc đa dạng hay không, có minh bạch về các quyết định kế toán và chịu trách nhiệm trước các cổ đông hay không đối với mô hình công ty cổ phần. Hoặc với bất kỳ một tổ chức nào họ có theo đuổi sự toàn vẹn và đa dạng không?
Quản trị tổ chức tốt đảm bảo tính minh bạch và trách nhiệm giải trình, đồng thời có thể ngăn chặn các vụ bê bối, gian lận và vấn đề liên quan đến trách nhiệm pháp lý của tổ chức. Một tổ chức được điều hành hiệu quả phải dựa trên cấu trúc và văn hóa tổ chức, dựa trên các nguyên tắc quản trị tốt sẽ ngăn ngừa các thảm họa lớn có thể xảy ra cho tổ chức.
Quản trị tổ chức tốt cũng được chứng minh là có ảnh hưởng tích cực đến nhận thức của các bên liên quan về trách nhiệm xã hội và môi trường của tổ chức, do đó thương hiệu luôn được chào đón, hoan nghênh từ đối tác, khách hàng và nhà cung cấp. Điều này tạo ra một loạt lợi thế cạnh tranh, đáp ứng sự hài lòng của khách hàng cũng tăng lên dẫn đến các đánh giá tác động của quản trị tổ chức đối với khuyến nghị của khách hàng sẽ tạo ra mối quan hệ rất chặt chẽ giữa quản trị tổ chức và chất lượng quan hệ khách hàng luôn được do lường bằng niềm tin và sự cam kết giữa tổ chức và khách hàng của mình.
Ths. Trần Anh Tuấn - Trung tâm QUACERT