TIÊU CHUẨN TẠO RA SỰ THAY ĐỔI THẦN TỐC
Quay lại Bản in Yahoo

Biến đổi khí hậu đang diễn ra nhanh chóng. Thế giới hiện nay không có thời gian để bàn bạc quanh co. Nhưng tiêu chuẩn ISO có thể giúp chúng ta đưa ra những chính sách đúng đắn và đẩy nhanh tiến độ.


Chiến tranh thế giới thứ hai đã để lại dấu ấn không thể phai mờ trên thế giới. Khi chiến tranh chấm dứt vào năm 1945, thế giới đang rất cần được xây dựng lại và cải cách ở quy mô chưa từng có. ISO là một trong những tổ chức toàn cầu chủ chốt vươn lên từ đống tro tàn để thực hiện mục tiêu đó. Ngày nay, ISO lại một lần nữa đóng vai trò quan trọng trong việc giúp thế giới giải quyết một mối đe dọa hiện hữu khác: biến đổi khí hậu.

Khi các nhà hoạch định chính sách tập trung tại Dubai để thảo luận về cách đẩy nhanh hành động vì khí hậu, điểm lý tưởng để bắt đầu chính là sự nhắc nhở về một công cụ đầy quyền năng, đó chính là tiêu chuẩn.

Các tiêu chuẩn mang lại cho chúng ta sự đảm bảo rằng sự thay đổi là thực tế và có ý nghĩa. Chúng đảm bảo kết quả và giúp loại bỏ mọi hoạt động “tẩy rửa xanh” (1) tiềm ẩn. Các tiêu chuẩn cũng làm cho sự thay đổi diễn ra với tốc độ nhanh chóng. Việc ban hành luật và thực thi các chính sách về hành động vì khí hậu có thể mất nhiều năm – và chúng ta thì không còn nhiều thời gian như thế. Việc sử dụng các tiêu chuẩn có thể giúp chúng ta đạt được điều đó nhanh hơn bằng cách giảm thời gian thiết lập và thực thi các chính sách của chính phủ.

COP28 là điểm quan trọng trên quỹ đạo khí hậu toàn cầu. Là một mặt trận thống nhất, chúng ta cần cùng nhau hành động trong ba lĩnh vực chính: hạn chế phát thải khí thải, lập kế hoạch quản lý rủi ro từ tác động của biến đổi khí hậu và chuẩn bị tài chính. Tiêu chuẩn là công cụ hiệu quả nhất của chúng ta trong việc thúc đẩy hành động trên cả ba yếu tố này.

Các tiêu chuẩn có thể tăng cường nỗ lực về khí hậu

Điều tối quan trọng là các tổ chức phải báo cáo rõ ràng về lượng phát thải khí nhà kính (KNK) và tiến độ giảm thiểu phát thải. Các tiêu chuẩn ISO 14064 đang giúp hướng dẫn việc xây dựng các bản kiểm kê khí nhà kính, trong đó liệt kê toàn bộ khối lượng KNK và nguồn gốc phát sinh. Vì vậy, chúng là một công cụ hiệu quả giúp con người nỗ lực hạn chế lượng khí thải vì chúng yêu cầu bằng chứng có thể thẩm tra được. Điều này củng cố niềm tin rằng hành động vì khí hậu là hành động thực sự chứ không chỉ là lời nói suông.

Sự tin tưởng này cũng cho phép thế giới phá vỡ các giới hạn của quy ước khi lập kế hoạch quản lý rủi ro từ tác động của biến đổi khí hậu. Điều này rất quan trọng vì rủi ro biến đổi khí hậu khác với các rủi ro khác. Các phương pháp tiếp cận thông thường sử dụng xác suất thống kê có thể không hiệu quả và tác động của biến đổi khí hậu có thể gây ra một chuỗi tác động có tính dây chuyền. Các tiêu chuẩn ISO trình bày chi tiết các phương pháp thực hành tốt nhất để thực hiện đánh giá rủi ro và đánh giá tính dễ bị tổn thương do biến đổi khí hậu.

Chính quyền địa phương và cộng đồng phải đối mặt với tác động của biến đổi khí hậu cần có kế hoạch thích ứng nhưng không phải lúc nào cũng có đủ nguồn lực để cung cấp hoặc cập nhật chúng. Các tiêu chuẩn ISO cung cấp lộ trình hoạch định chính sách. Tiêu chuẩn cũng chứng minh cách hợp tác các đơn vị kinh doanh với các bên liên quan phù hợp để giải quyết các rủi ro chính do biến đổi khí hậu gây ra và đặt ra các ưu tiên. Các tiêu chuẩn ISO cũng có thể giúp hướng dẫn việc báo cáo và truyền thông có ý nghĩa về việc thích ứng với biến đổi khí hậu.

Nhưng rủi ro không phải là rào cản duy nhất. Thiếu nguồn lực vật chất là một thách thức và tài chính là một trở ngại lớn. Các tiêu chuẩn cũng có thể giúp ích ở điểm này.

Cần hơn 4,2 nghìn tỷ USD đầu tư vào năng lượng sạch vào năm 2030 để đưa chúng ta đạt mức phát thải ròng bằng 0. Các chính phủ dự kiến ​​sẽ tài trợ khoảng 30% trong số đó thông qua sự kết hợp giữa các khoản vay chi phí thấp, nguồn trợ cấp và tài chính giá rẻ.

Thách thức chính đối với các chính phủ trong việc thiết lập hỗ trợ cho các chương trình năng lượng xanh là nguy cơ chi tiêu tiền của người nộp thuế và không đạt được kết quả như mong muốn. Không có gì làm mất lòng tin của công chúng bằng việc lãng phí tiền bạc.

ISO cung cấp một cấu trúc sẵn sàng triển khai giúp các chính phủ xác định tiêu chí của họ cho các dự án đủ điều kiện và thiết lập các thước đo hiệu suất. Ví dụ: loạt tiêu chuẩn về công cụ nợ xanh ISO (ISO 14030 (2)) nêu rõ các yêu cầu để đảm bảo tính toàn vẹn của trái phiếu xanh và khoản vay xanh, bao gồm phân loại cho các dự án đủ điều kiện và đặt ra các yêu cầu cho chương trình thẩm tra.

Khi xét đến sự phức tạp của các khoản tài trợ để hỗ trợ các sáng kiến ​​ứng phó với khí hậu, ISO cũng có một tiêu chuẩn thực tiễn tốt nhất có thể giúp các chính phủ thiết kế cơ chế tài trợ một cách nhanh chóng và hiệu quả. ISO 14093 (3), tiêu chuẩn ISO liên quan đến cơ chế tài trợ cho địa phương thích ứng với biến đổi khí hậu - tài trợ khả năng phục hồi khí hậu dựa trên hiệu suất. Tiêu chuẩn ISO này đưa ra các yêu cầu và hướng dẫn cách thiết lập một hệ thống quốc gia về tài trợ thích ứng ở địa phương và nó bao gồm các điều kiện tối thiểu để đảm bảo an toàn tài chính và danh sách các khoản đầu tư thích hợp để có thể thúc đẩy khả năng phục hồi khí hậu.

Sức mạnh của ISO và các đối tác công

Các cơ quan công quyền có ảnh hưởng đáng kể trên thị trường nhờ ngân sách mua sắm dự án khá lớn của họ. Khai thác ảnh hưởng này một cách chiến lược có khả năng định hình hành vi của ngành. Các cơ quan công quyền có thể kết hợp các yêu cầu hợp đồng xây dựng trên các tiêu chuẩn ISO và hệ thống đánh giá sự phù hợp của ISO.

Việc tích hợp các tiêu chuẩn ISO có thể giúp thiết lập các quy tắc mua sắm để mua hàng hóa và dịch vụ theo cách thúc đẩy hành động về khí hậu. Bất kỳ nhà hoạch định chính sách nào muốn thúc đẩy sự thay đổi tích cực một cách nhanh chóng cần phải bắt đầu bằng việc nghĩ đến các tiêu chuẩn.

Vì không có tiêu chuẩn thì không thể cải tiến được.

                                                         Tổ công tác GHG-QUACERT _ Lược dịch từ ISO.org

Chú thích:

(1) “tẩy rửa xanh” (greenwash) là khái niệm đề cập những hành vi làm sai lệch hay bóp méo thông tin để khiến người tiêu dùng tin rằng một doanh nghiệp có trách nhiệm với môi trường

(2)Bộ tiêu chuẩn ISO 14030 – “Đánh giá hiệu suất môi trường – chứng khoán nợ xanh” gồm 4 phần: Phần 1: Quy trình cho trái phiếu xanh; Phần 2: Quy trình cho các khoản vay xanh; Phần 3: Phân loại; Phần 4: Yêu cầu đối với chương trình thẩm tra.

(3) ISO 14093:2022 “Cơ chế tài trờ cho địa phương thích ứng với biến đổi khí hậu”.

Ngày ban hành: 11/2022

 

Cập nhật: 14/05/2024
Lượt xem: 944
Lên trên