Tiêu chuẩn ISO/IEC 27001 là tiêu chuẩn quốc tế tập trung vào bảo mật thông tin được Tổ chức Tiêu chuẩn hóa Quốc tế (ISO) và Ban Kỹ thuật điện quốc tế (IEC) ban hành lần đầu năm 2005. Tiêu chuẩn này được thực hiện trên nguyên tắc tiếp cận rủi ro trong các hoạt động để thiết lập, áp dụng, thực hiện, theo dõi, xem xét, duy trì và cải tiến đảm bảo an ninh thông tin của cơ quan/tổ chức/doanh nghiệp… Mục đích chính là bảo vệ thông tin, không để rơi vào tay người lạ hay bị chiếm đoạt vĩnh viễn. Do đó, tiêu chuẩn ISO/IEC 27001 có thể được áp dụng đối với mọi loại hình tổ chức : Doanh nghiệp sản xuất, dịch vụ, thương mại, cơ quan chính phủ, các tổ chức phi chính phủ .Tại Việt Nam có 1 số đơn vị như: Công ty cổ phần An ninh mạng Việt Nam, Công ty nhiệt điện Mông Dương,... cũng áp dụng tiêu chuẩn này (tác giả)
Ngày nay, các cuộc tấn công mạng gây ra thiệt hại về kinh tế, làm gián đoạn các hoạt động và là mối đe dọa ngày càng lớn đối với doanh nghiệp, chính phủ và xã hội. Bài viết dưới đây chỉ dẫn cách thức để bảo vệ tài sản thông tin của doanh nghiệp.
Để giải quyết các vấn nạn về an ninh mạng toàn cầu và cải thiện lòng tin về dữ liệu số, tiêu chuẩn ISO / IEC 27001 - Hệ thống quản lý an toàn thông tin, vừa được ban hành phiên bản mới vào tháng 10 năm 2022, đã đưa ra rất nhiều điểm mới so với phiên bản cũ. ISO/IEC 27001 là tiêu chuẩn nổi tiếng nhất thế giới về quản lý, bảo mật thông tin, an ninh mạng và bảo vệ quyền riêng tư, nhằm giúp các tổ chức doanh nghiệp bảo mật tài sản thông tin của họ - điều quan trọng trong kỷ nguyên kỹ thuật số ngày càng được mở rộng hiện nay.
Khi mạng xã hội ngày càng phát triển và phổ biến, tội phạm mạng cũng dần trở nên nghiêm trọng và tinh vi hơn bao giờ hết. Báo cáo Triển vọng An ninh mạng Toàn cầu của Diễn đàn Kinh tế Thế giới chỉ ra rằng các cuộc tấn công mạng trên toàn cầu đã tăng 125% vào năm 2021, và sẽ tiếp tục gia tăng vào năm 2022. Trong bối cảnh xã hội không ngừng thay đổi, các nhà quản lý phải có cách xử lý triệt để đối với các rủi ro này.
Theo ông Andreas Wolf – người đứng đầu nhóm chuyên gia chịu trách nhiệm về tiêu chuẩn này cho biết: “Trong cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư, nếu rủi ro mạng xảy ra trên toàn bộ hệ thống sẽ gây nên thiệt hại về nền kinh tế và ngăn cản sự phát triển của các tổ chức doanh nghiệp. Những tổ chức doanh nghiệp sẽ dẫn đầu về kỹ thuật số trong tương lai là những đơn vị đủ hiểu biết để thừa nhận rằng họ phải có sự trợ giúp và bảo vệ trong vấn đề này.”
Để giải quyết các mối đe dọa này, các tổ chức doanh nghiệp phải tăng cường khả năng phục hồi và bảo mật. Dưới đây là cách mà tiêu chuẩn ISO / IEC 27001 sẽ mang lại lợi ích cho đơn vị của bạn:
- Bảo mật thông tin dưới mọi hình thức, bao gồm: dữ liệu bản cứng, dữ liệu lưu trữ trên đám mây và dữ liệu số.
- Tăng khả năng chống lại các cuộc tấn công mạng
- Cung cấp và quản lý tập trung tại một điểm để bảo mật tất cả thông tin tại đó
- Đảm bảo an toàn cho toàn đơn vị, bao gồm việc chống lại các rủi ro dựa trên công nghệ và các mối đe dọa khác
- Ứng phó với các mối đe dọa bảo mật đang phát triển
- Giảm thiểu chi phí cho công nghệ phòng chống kém hiệu quả
- Bảo vệ tính toàn vẹn, tính bảo mật và tính sẵn có của dữ liệu
Cách tiếp cận toàn diện của tiêu chuẩn ISO / IEC 27001 có nghĩa là bao trùm toàn bộ đơn vị áp dụng, không chỉ riêng công nghệ thông tin mà con người, công nghệ và quy trình của tổ chức cũng đều được hưởng lợi. Các tổ chức doanh nghiệp có khả năng phục hồi những rủi ro một cách nhanh chóng sẽ trở thành những người dẫn đầu trong ngành và thiết lập tiêu chuẩn cho hệ sinh thái công nghệ số của mình.
Khi đơn vị bạn sử dụng tiểu chuẩn ISO / IEC 27001, có nghĩa là đang minh chứng cho khách hàng và các bên liên quan thấy rằng tổ chức doanh nghiệp của bạn quản lý thông tin một cách bảo mật, an toàn và đáng tin cậy. Đó là một cách tuyệt vời để quảng bá và nâng cao doanh số, hình ảnh cho đơn vị của bạn.
Phòng Chứng nhận Hệ thống – QUACERT_Lược dịch từ www.iso.org