Từ ngày 21-24/10/2024, tại Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc Gia (STAMEQ), trong khuôn khổ Hội nghị Quốc tế với chủ đề “Phát huy nội lực, tăng cường hợp tác quốc tế để đẩy mạnh phát triển ngành Halal Việt Nam”, lãnh đạo Ủy Ban đã tổ chức gặp gỡ và làm việc cùng nhiều đối tác quốc tế quan trọng trong lĩnh vực Halal như Viện Tiêu chuẩn và Đo lường các quốc gia Hồi giáo (SMIIC), Trung tâm Halal Ả Rập Saudi (SHC), Cơ quan Thực phẩm và Dược phẩm Ả Rập Saudi (SFDA), Trung tâm Công nhận các quốc gia vùng Vịnh (GAC), và Viện Tiêu chuẩn Morocco (IMANOR).
Buổi làm việc có sự tham gia của TS. Hà Minh Hiệp – Quyền Chủ tịch Ủy Ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc Gia, Lãnh đạo Trung tâm Chứng nhận Phù hợp (QUACERT) và Trung tâm Chứng nhận Halal Quốc gia (HALCERT), nhằm mở ra cơ hội hợp tác sâu rộng giữa Việt Nam và các đối tác quốc tế, hướng tới thúc đẩy ngành công nghiệp Halal Việt Nam trên thị trường thế giới.
Thúc đẩy tiêu chuẩn Halal và hợp tác giữa Việt Nam với các quốc gia Hồi giáo
Ông Ihsan Ovut, Tổng Thư ký SMIIC, bày tỏ ấn tượng với tiềm năng phát triển Halal tại Việt Nam, đồng thời đánh giá cao nỗ lực của STAMEQ trong việc xây dựng các tiêu chuẩn quốc gia TCVN đáp ứng nhu cầu của các thị trường Hồi giáo. Dù nhận định Việt Nam có tiềm năng đáp ứng tiêu chuẩn Halal; song, ông Ovut cũng có lo ngại rằng việc chứng nhận Halal ở Việt Nam có thể bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố do Việt Nam vốn không phải là một quốc gia Đạo Hồi.
Quang cảnh buổi làm việc
Đáp lại vấn đề này, ông Trần Quốc Dũng – Giám đốc QUACERT đã chỉ ra rằng: “Hoạt động chứng nhận sự phù hợp nói chung, và chứng nhận Halal nói riêng tại Việt Nam chỉ chịu trách nhiệm trước pháp luật, không hề có sự ảnh hưởng tiêu cực từ bất kì cá nhân hay tổ chức nào, hoàn toàn đảm bảo tính minh bạch và khách quan, phù hợp theo tiêu chuẩn của các tổ chức công nhận chất lượng quốc tế.”
Bên cạnh đó, ông Ramlan Bin Osman – Phụ trách HALCERT cũng khẳng định rằng: “Các hoạt động chứng nhận Halal ở Việt Nam sẽ được đảm bảo tuân theo các điều khoản của Luật Shari’ah (Luật Hồi giáo) bởi tôi, hiện đang được giao phụ trách trung tâm, là một người Hồi giáo và đã có nhiều năm làm việc trong lĩnh vực Halal. Đồng thời, quá trình chứng nhận cũng sẽ có sự tham gia của cộng đồng người Hồi giáo ở Việt Nam (dưới tư cách là Hội đồng Halal) nhằm đảm bảo tính khách quan và minh bạch nhất.”
Lãnh đạo SMIIC trao đổi cùng STAMEQ, QUACERT, và HALCERT
Đại diện SMIIC nhấn mạnh cơ hội hợp tác chặt chẽ với STAMEQ và HALCERT trong tương lai về công nhận chứng nhận và chứng nhận sản phẩm, đồng thời cũng chia sẻ kinh nghiệm về các quy trình đánh giá chất lượng mà SMIIC đã áp dụng thành công. Ông Ihsan Ovut cùng SMIIC sẵn sàng kí kết Biên bản ghi nhớ hợp tác giữa hai cơ quan nhằm nâng cao mức độ hợp tác.
Các đại biểu tham dự chụp ảnh lưu niệm
Chuyển giao công nghệ và đào tạo từ Trung tâm Halal Ả Rập Saudi (SHC)
Tại buổi làm việc, TS. Thamer Baazim và TS. Yousef Alharbi, Phó Giám đốc SHC, giới thiệu về các hệ thống đào tạo, hệ thống đánh giá chất lượng hiện đại, áp dụng công nghệ tự động hoá của SHC trong quy trình chứng nhận Halal tại Ả Rập Saudi.
Quang cảnh buổi làm việc
SHC rất sẵn lòng hỗ trợ HALCERT trong việc chuyển giao công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực và nâng cao năng lực kiểm định Halal để Việt Nam sớm sở hữu những công nghệ hiện đại và nhân lực đạt chuẩn theo yêu cầu hiện tại ở SHC. Ngoài ra, SHC mong muốn tổ chức các hội thảo chuyên đề và khóa đào tạo tại Việt Nam nhằm nâng cao nhận thức về Halal cho doanh nghiệp và người tiêu dùng, tạo niềm tin vào sản phẩm Halal Việt Nam.
Đoàn Đại biểu từ SFDA và SHC
Bên cạnh đó, ông Nawaf Saud D Albalawi – Phụ trách Quan hệ Quốc tế của SFDA cũng rất cởi mở về tiềm năng xuất khẩu sản phẩm Halal Việt Nam sang Ả Rập Saudi nói riêng và các quốc gia Vùng Vịnh nói chung. Ông cùng SFDA sẵn sàng kết nối các doanh nghiệp Việt Nam đã đạt chứng nhận Halal với các đầu mối ở Saudi để mở rộng hợp tác và tiến hành giao thương sản phẩm.
SHC và SFDA trao đổi cùng Lãnh đạo STAMEQ, QUACERT và HALCERT
Đại diện SFDA và SHC cũng cho rằng hiện tại Việt Nam có nhiều công ty tư nhân cùng làm trong lĩnh vực chứng nhận Halal, tuy nhiên xét đến việc Chính phủ Việt Nam đã có tầm nhìn chiến lược về Halal, thể hiện qua việc thành lập HALCERT, một cơ quan chứng nhận Halal thuộc sự quản lý của Nhà nước, Chính phủ nên hướng đến mục tiêu đặt ra một chuẩn mực chung cho thị trường chứng nhận Halal ở Việt Nam, nhằm đảm bảo tính toàn vẹn tối đa cho sản phẩm và dịch vụ Halal.
Các đại biểu tham dự chụp ảnh lưu niệm
Khẳng định vai trò của GAC trong việc công nhận chứng nhận Halal của Việt Nam
Tại buổi làm việc, Trung tâm Công nhận các quốc gia vùng Vịnh (GAC) nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác giữa Việt Nam và các quốc gia Hồi giáo trong lĩnh vực Halal. GAC có kinh nghiệm phong phú trong việc hỗ trợ các nước Hồi giáo xây dựng hệ thống tiêu chuẩn và công nhận Halal trên toàn cầu, sẵn sàng chia sẻ các quy trình đánh giá đã được thiết lập và đạt chuẩn quốc tế. Ông Moteb Al-Mezani, Tổng Giám đốc GAC, phát biểu: “Việt Nam có thể trở thành đối tác chiến lược trong lĩnh vực Halal của các nước vùng Vịnh nếu tiếp tục đẩy mạnh tiêu chuẩn và năng lực chứng nhận Halal.”
GAC cũng đưa ra gợi ý cho Việt Nam để điều chỉnh các tiêu chuẩn TCVN sao cho phù hợp với tiêu chuẩn GSO của họ, vốn đã được áp dụng rộng rãi tại các quốc gia Hồi giáo và các tổ chức quốc tế liên quan đến Hồi giáo như SMIIC. Đồng thời, các khoá đào tạo mà GAC cung cấp cho phía Việt Nam sẽ giúp cho các chuyên gia đánh giá Việt Nam nâng cao năng lực đánh giá, sớm tiến đến mục tiêu được công nhận bởi GAC.
Tổng Giám đốc GAC trao đổi cùng Lãnh đạo STAMEQ, QUACERT và HALCERT
Bên cạnh đó, đại diện GAC, khi xét đến bối cảnh cả HALCERT và GAC đều là các cơ quan do Chính phủ quản lý, đã nhận định rằng HALCERT cần lưu ý đến việc tránh gặp phải các mâu thuẫn về lợi ích, cũng như cần hướng đến mục tiêu đặt ra một tiêu chuẩn chung cho toàn bộ thị trường cung cấp dịch vụ chứng nhận Halal.
Các đại biểu tham gia buổi làm việc chụp ảnh lưu niệm
Vai trò của IMANOR trong hỗ trợ xuất khẩu Halal vào thị trường Bắc Phi
Giám đốc Viện Tiêu chuẩn Morocco (IMANOR), ông Abderrahim Taibi, cũng nhấn mạnh việc IMANOR sẵn sàng hợp tác với Việt Nam trong việc phát triển các tiêu chuẩn Halal, đặc biệt là trong lĩnh vực thực phẩm và mỹ phẩm xuất khẩu sang thị trường Bắc Phi. Ông cho rằng các tiêu chuẩn Halal không chỉ là một yêu cầu kỹ thuật mà còn là yếu tố quan trọng để xây dựng lòng tin và nâng cao giá trị thương hiệu cho sản phẩm Việt Nam tại khu vực này.
Giám đốc IMANOR và Đại sứ Morroco tại Việt Nam trao đổi cùng Lãnh đạo STAMEQ và HALCERT
IMANOR cũng đã có nhiều kinh nghiệm trong việc đào tạo và cung cấp chứng nhận Halal tại khu vực, được công nhận bởi cơ quan Halal uy tín như JAKIM (Malaysia). Dựa trên thế mạnh này, IMANOR cam kết hỗ trợ HALCERT trong công tác kiểm định, đào tạo và xây dựng thương hiệu Halal cho Việt Nam, giúp các sản phẩm Halal Việt Nam dễ dàng tiếp cận và phát triển tại thị trường quốc tế nói chung, và Châu Phi nói riêng. Những tầm nhìn này cũng được ông Ahmed Ait Aissa – Tham tán Đại sứ quán Morroco tại Việt Nam, cùng dự tại buổi làm việc – hết sức ủng hộ.
Các đại biểu tại buổi làm việc chụp ảnh lưu niệm
Với sự đồng hành của các đối tác quốc tế uy tín, những buổi làm việc trên đã tạo triển vọng mới cho ngành Halal Việt Nam, đưa Việt Nam tiến gần hơn tới mục tiêu phát triển bền vững và hội nhập sâu rộng vào chuỗi giá trị Halal toàn cầu.
Hồng Quân - Trung tâm Chứng nhận Phù hợp (QUACERT)