Sáng ngày 24/9/2024 tại Hà Nội, Trung tâm Chứng nhận Halal Quốc gia (HALCERT) đã có buổi làm việc với đại sứ 15 nước thuộc khối OIC (Hội đồng hợp tác các quốc gia Hồi giáo).
Buổi làm việc do HALCERT tổ chức và chủ trì với mục đích chia sẻ về định hướng hoạt động của Trung tâm Chứng nhận Halal Quốc gia (HALCERT) cũng như trao đổi, tìm kiếm hợp tác với các quốc gia khối OIC trong lĩnh vực Halal.
Tại buổi làm việc, ông Trần Quốc Dũng, Giám đốc Trung tâm Chứng nhận Phù hợp (QUACERT) chia sẻ về sứ mệnh và tầm nhìn của HALCERT và giới thiệu về hệ thống tiêu chuẩn Halal của Việt Nam. Ông Dũng khẳng định Việt Nam quyết tâm và nghiêm túc trong việc phát triển ngành Halal của Việt Nam, đảm bảo phù hợp với thông lệ quốc tế. Ông cũng chia sẻ mong muốn nhận được những chia sẻ về kinh nghiệm phát triển ngành Halal cũng như cơ hội hợp tác cho Việt Nam trong lĩnh vực này.
Ông Saadi Salama, Đại sứ Palestine tại Việt Nam chúc mừng và đánh giá cao nỗ lực của Việt Nam trong việc phát triển ngành Halal thông qua việc thành lập Trung tâm Chứng nhận Halal Quốc gia. Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh, đây là chỉ là bước đầu tiên, Việt Nam cũng cần phải có những chiến lược tiếp theo để phát triển ngành Halal. Theo ông, việc quan trọng nhất mà Việt Nam cần làm trước tiên là tuyên truyền để mọi người có thể hiểu đúng chính xác về Halal. Bên cạnh đó, Việt Nam cần tăng cường sự tham gia của cộng đồng người Hồi giáo vào quá trình phát triển ngành Halal, bởi họ sẽ giúp Việt Nam tháo gỡ được những khó khăn nhất định để phát triển ngành du lịch thân thiện với người Hồi giáo của Việt Nam.
Ông Korhan Kemik, đại sứ Thổ Nhĩ Kỳ tại Việt Nam chia sẻ, sản phẩm được chứng nhận Halal là những sản phẩm sạch và an toàn, nên ngày càng trở thành lựa chọn ưu tiên không chỉ đối với người Hồi giáo và cả đối với người phi Hồi giáo, thị trường Halal phát triển từng ngày, chính vì vậy ông rất vui mừng khi Việt Nam quyết định phát triển lĩnh vực Halal. Theo ông Kemik, một yếu tố quan trọng là cần có một hệ thống chứng nhận Halal thống nhất ở cấp độ toàn cầu, nhưng hiện tại chưa có một hệ thống chứng nhận Halal như vậy.
Ông Ramlan Bin Osman, Phụ trách Trung tâm HALCERT khẳng định đã và đang xây dựng chiến lược để phát triển hoạt động của Trung tâm, định hướng phát triển hoạt động chứng nhận theo nhiều tiêu chuẩn khác nhau, đặc biệt là các tiêu chuẩn được chấp nhận rộng rãi như tiêu chuẩn OIC/SMIIC và tiêu chuẩn GSO. Ông cũng nhấn mạnh việc Việt Nam mong muốn nhận được sự giúp đỡ và hỗ trợ từ các thành viên OIC trong giai đoạn đầu phát triển ngành Halal.
Các đại sứ khẳng định sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam trong quá trình phát triển ngành Halal, đặc biệt là giúp Việt Nam phát triển nhân sự về Halal.
Thu Hà