Ban hành danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính (cập nhật)
Quay lại Bản in Yahoo

   

   Để tăng cường thực hiện việc kiểm kê khí nhà kính, nhằm giảm phát thải khí nhà kính và xác định mục tiêu cụ thể của các doanh nghiệp trong giai đoạn 2026 - 2030, góp phần thực hiện mục tiêu đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 của Việt Nam,  Bộ Tài nguyên và Môi trường đã trình Chính phủ phê duyệt danh mục các cơ sở phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính, theo định kỳ 1 năm/lần kể từ năm 2022 (quy định tại Nghị định số 06/2022/NĐ-CP ngày 07 tháng 01 năm 2022 của Chính phủ về Quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô-dôn).

 Ngày 13/8/2024, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã ký Quyết định số 13/2024/QĐ-TTg ban hành Danh mục lĩnh vực, cơ sở phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính (cập nhật). Số cơ sở phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính được cập nhật là 2.166, tăng 259 cơ sở so với danh mục ban hành năm 2022.

   Quyết định 13/2024/QĐ-TTg nêu rõ 6 lĩnh vực phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính, cụ thể là:

(1) Năng lượng: Công nghiệp sản xuất năng lượng; tiêu thụ năng lượng trong công nghiệp, thương mại, dịch vụ và dân dụng; khai thác than; khai thác dầu và khí tự nhiên.

(2) Giao thông vận tải: Tiêu thụ năng lượng trong giao thông vận tải.

(3) Xây dựng: Tiêu thụ năng lượng trong ngành xây dựng; các quá trình công nghiệp trong sản xuất vật liệu xây dựng.

(4) Các quá trình công nghiệp: Sản xuất hóa chất; luyện kim; công nghiệp điện tử; sử dụng sản phẩm thay thế cho các chất làm suy giảm tầng ozon; sản xuất và sử dụng các sản phẩm công nghiệp khác.

(5) Nông nghiệp, lâm nghiệp và sử dụng đất: Chăn nuôi; lâm nghiệp và thay đổi sử dụng đất; trồng trọt; tiêu thụ năng lượng trong nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản; các nguồn phát thải khác trong công nghiệp.

(6) Chất thải: Bãi chôn lấp chất thải rắn; xử lý chất thải rắn bằng phương pháp sinh học; thiêu đốt và đốt lộ thiên chất thải; xử lý và xả thải nước thải.

   Quyết định số 13/2024/QĐ-TTg có hiệu lực thi hành từ ngày 01/10/2024. Điều đó cũng có nghĩa là Quyết định số 01/2022/QĐ-TTg ngày 18/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ ban hành danh mục lĩnh vực, cơ sở phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính hết hiệu lực kể từ ngày 01/10/2024.

   Các cơ sở thuộc danh mục quy định tại Quyết định số 01/2022/QĐ-TTg nhưng không thuộc danh mục quy định tại Quyết định mới này không có nghĩa vụ thực hiện và nộp báo cáo kiểm kê khí nhà kính cấp cơ sở năm 2025.

   Việc cập nhật danh mục cơ sở phải kiểm kê khí nhà kính nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về giảm phát thải khí nhà kính trong nỗ lực chống biến đổi khí hậu của Chính phủ. Số lượng thống kê năm 2024 đã tăng so với 2022 cho thấy cơ sở, doanh nghiệp đến ngưỡng phải kiểm kê khí nhà kính luôn luôn tăng và việc kiểm kê khí nhà kính là vấn đề đang được xã hội quan tâm. Việc ban hành và triển khai thực hiện Quyết định 13/2024/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ cũng góp phần thực hiện quy định của Thoả thuận Paris về biến đổi khí hậu, nhằm hướng tới kiểm soát ít nhất 85% các nguồn phát thải chính theo năng lực quốc gia.

   Tuy nhiên vẫn tồn tại một số vấn đề trong hoạt động kiểm kê khí nhà kính như sau:

- Đối với ngành giao thông vận tải: Danh mục phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính tại Phụ lục III của Quyết định 13/2024/QĐ-TTg có 75 cơ sở (Danh mục cũ theo Quyết định 01/2022 là 70 cơ sở). Danh mục này do Bộ Giao thông Vận tải đề xuất trên cơ sở các Báo cáo kiểm kê khí nhà kính của các đơn vị tại Quyết định số 01/2022/QĐ-TTg từ năm 2022 mà Bộ Giao thông Vận tải nhận được và từ báo cáo của các cơ quan quản lý nhà nước trực thuộc, cùng với việc rà soát, cập nhật thông tin kết quả tiêu thụ nhiên liệu (theo TOE) đối với các doanh nghiệp kinh doanh vận tải hàng hoá. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay, Bộ Giao thông Vận tải vẫn chưa ban hành các văn bản hướng dẫn về việc đo đạc, báo cáo kiểm kê khí nhà kính tronng ngành, nên các căn cứ để xác định chính xác lượng phát thải khí nhà kính của các cơ sở thuộc ngành này vẫn là dấu chấm hỏi.

Đối với các cơ sở thuộc Bộ Xây dựng quản lý, theo Phụ lục IV của Quyết định 13/2024/QĐ-TTg thì số lượng các đơn vị phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính là 229 cơ sở, tăng hơn gấp đôi so với Danh mục cũ (là 104 cơ sở). Tuy nhiên cũng như Bộ Giao thông Vận tải, đến thời điểm hiện tại Bộ Xây dựng vẫn chưa ban hành văn bản hướng dẫn đo đạc, báo cáo về kiểm kê khí nhà kính của ngành. Điều này khiến cho các cơ sở thuộc Bộ Xây dựng quản lý hết sức lúng túng khi thực hiện kiểm kê khí nhà kính, đặc biệt là các đơn vị sản xuất vật liệu xây dựng thuộc đối tượng của CBAM (Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon - EU) khi xuất khẩu sản phẩm của mình vào thị trường châu Âu như Xi măng, sản phẩm liên quan đến sắt thép do các đối tượng này đã bắt buộc phải khai báo phát thải khí nhà kính từ quý IV năm 2023 theo yêu cầu của CBAM.

- Đối với ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Quyết định 13/2024/QĐ-TTg có ban hành Phụ lục I về Danh mục lĩnh vực phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính, trong đó có liệt kê lĩnh vực Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Sử dụng đất như : Chăn nuôi, Trồng trọt, Lâm nghiệp và thay đổi sử dụng đất, Tiêu thụ năng trong nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản…tuy nhiên các cơ sở trong lĩnh vực này chưa có tên trong Quyết định 13/2024/QĐ-TTg.

- Cũng tại Quyết định 13/2024/QĐ-TTg, đối với các ngành Công thương, Phụ lục II có 1.805 cơ sở phải kiểm kê khí nhà kính, tăng so với Danh mục cũ (là 1.662 cơ sở), ngành Môi trường, Phụ lục V có 57 cơ sở, giảm so với Danh mục cũ (76 cơ sở). Mặc dù 2 ngành này đã ban hành các văn bản hướng dẫn đo đạc kiểm kê khí nhà kính (Thông tư 38/2023/TT-BCT ngày 27/12/2023 Quy định kỹ thuật đo đạc, báo cáo, thẩm định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và kiểm kê khí nhà kính ngành công thương, Thông tư 17/2022/TT-BTNMT ngày 15/11/2022 Quy đinh  kỹ thuật đo đạc, báo cáo, thẩm định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và kiểm kê khí nhà kính lĩnh vực quản lý chất thải), tuy nhiên các Thông tư này quy định nguồn phát thải khí nhà kính chỉ là: 1. Nguồn phát thải trực tiếp sinh ra từ hoạt động đốt nhiên liệu hóa thạch, khai thác khoáng sản trên bề mặt, trong lòng đất hoặc rò rỉ máy móc, trang thiết bị lưu trữ của con người (tương đương với nhóm 1 theo phân loại của thông lệ quốc tế quy định tại tiêu chuẩn ISO 14064-1:2018 – Khí nhà kính – Quy định kỹ thuật về hướng dẫn định lượng và báo cáo lượng phát thải/loại bỏ khí nhà kính cấp độ tổ chức). 2. Nguồn phát thải gián tiếp do việc sử dụng các dạng năng lượng như điện, hơi nước tạo ra từ quá trình đốt nhiên liệu hóa thạch và các nhiên liệu khác có liên quan (tương đương với nhóm 2 – tiêu chuẩn ISO 14064-1:2018) mà không đề cập đến các nguồn phát thải khí nhà kính khác như phát thải gián tiếp khác từ giao thông vận tải, từ sử dụng nguyên liệu, từ việc sử dụng sản phẩm, từ  nguồn khác… (tương đương với nhóm 3, nhóm 4, nhóm 5, nhóm 6 – tiêu chuẩn ISO 14064-1:2018 ). Trong khi đó, trên thực tế lượng phát thải khí nhà kính từ các nguồn phát thải thuộc nhóm 3, 4, 5, 6 thường chiếm đến 80% tổng lượng phát thải khí nhà kính của một cơ sở có hoạt động sản xuất. Điều này khiến cho Danh mục mới và cũ đã bỏ sót khá nhiều đơn vị phát thải khí nhà kính phải kiểm kê (theo tiêu chí trên 3.000 tấn CO2e ) quy định tại khoản 1 điều 6 mục 1 chướng II của Nghị định 06/2022/NĐ-CP.

- Đối với một số UBND các tỉnh, có thể chưa bố trí được nguồn kinh phí để thực hiện các hoạt động như: điều tra, khảo sát, thống kê số liệu hoạt động phục vụ kiểm kê khí nhà kính cấp quốc gia, cấp ngành; cập nhật danh mục cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính; xây dựng và vận hành hệ thống đo đạc, báo cáo, thẩm định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính cấp tỉnh... theo quy định tại điểm d khoản 5, điều 152 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ. Việc nhiều địa phương, doanh nghiệp chưa có sự chuẩn bị kỹ càng nguồn lực để xây dựng Báo cáo kiểm kê khí nhà kính, thậm chí là chưa biết bắt đầu từ đâu và đặc biệt là kiểm kê khí nhà kính xong rồi để làm gì cũng là vấn đề đáng quan tâm để tiếp tục được điều chỉnh tại các văn bản sau này.

Bảng: Một số tỉnh thành có số lượng lớn các cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê KNK

Các Tỉnh/Thành phố

Ngành

Công Thương

Xây dựng

Giao Thông Vận tải

Tài nguyên Môi trường

Bình Dương

262/+15

9/+8

1/+1

1/+0

Đồng Nai

215/+68

16/+16

-

-

Hồ Chí Minh

129/+20

2/-22

5/+2

3/-1

Bắc Ninh

124/+36

5/+5

-

2/+0

Hưng Yên

85/+4

4/+4

-

-

Long An

99/+31

4/+4

-

1/+0

Hải Phòng

98/+35

4/+2

5/+3

-

Hà Nội

37/-24

7/-10

4/+1

2/-2

Quảng Ninh

55/-2

27/+22

19/+2

4/+1

Hải Dương

49/-6

5/+1

-

2/0

Vĩnh Phúc

63/+29

11/+11

-

-

Thái Nguyên

52/+20

3/+0

-

4/+4

Nghệ An

-

-

8/+0

-

Kiên Giang

-

-

6/+4

-

Ghi chú: Số liệu các cơ sở  hiện hành theo Quyết định số 13/2024/QĐ-TTg, phần +/- là tăng/giảm so với Quyết định 01/2022/QĐ-TTg; Dấu (-) là không thống kê.

                                              Trọng Hùng -Trung tâm QUACERT



Cập nhật: 20/08/2024
Lượt xem: 620
Lên trên