Tại phiên họp, Hội đồng đã thảo luận về dự thảo Nghị định quy định đầu tư và cơ chế tài chính đối với hoạt động KH&CN và dự thảo Nghị định quy định việc sử dụng, trọng dụng cá nhân hoạt động KH&CN. Đồng thời, trao đổi nhiệm vụ “Nghiên cứu, phân tích và đánh giá hệ thống cơ chế, chính sách phát triển KH&CN của Việt Nam qua các thời kỳ”.
Theo báo cáo của Bộ KH&CN, dự thảo Nghị định quy định về đầu tư và cơ chế tài chính đối với hoạt động KH&CN gồm 4 chương, 26 điều, quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành các Điều 52, 53, 54, 58, 63 của Luật KH&CN và một số nội dung cần thiết về dự toán ngân sách nhà nước, nội dung chi cho hoạt động KH&CN, quản lý nhà nước về quỹ phát triển KH&CN, chính sách thuế, tín dụng đối với hoạt động KH&CN. Cụ thể, Chương I - Quy định chung; Chương II - Đầu tư cho hoạt động KH&CN; Chương III - Cơ chế tài chính đối với hoạt động KH&CN; Chương IV - Tổ chức thực hiện.
Thứ trưởng Bộ KH&CN Lê Đình Tiến báo cáo về dự thảo Nghị định quy định đầu tư và cơ chế tài chính đối với hoạt động KH&CN
Về dự thảo Nghị định quy định việc sử dụng, trọng dụng cá nhân hoạt động KH&CN, gồm 6 chương, 34 điều hướng dẫn các Điều 19, 22 và 23 của Luật KH&CN với các nội dung: những quy định chung; chức danh nghiên cứu khoa học, chức danh công nghệ và ưu đãi sử dụng cá nhân hoạt động KH&CN; đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài KH&CN; trọng dụng nhân tài KH&CN; tổ chức thực hiện; điều khoản thi hành.
Tại phiên họp, các thành viên của Hội đồng đều nhất trí cho rằng, 2 dự thảo Nghị định đã đưa ra được những vấn đề rất cơ bản của việc đổi mới cơ chế tài chính cho KH&CN và vấn đề sử dụng, trọng dụng cá nhân hoạt động KH&CN, mang lại sức sống mới cho hoạt động KH&CN. Đồng thời, đưa ra nhiều ý kiến góp ý, bổ sung để hoàn thiện dự thảo Nghị định.
Theo đó, về dự thảo Nghị định quy định về đầu tư và cơ chế tài chính đối với hoạt động KH&CN, các thành viên của Hội đồng cho rằng, cần có sự điều tiết để đảm bảo khoán chi đến sản phẩm cuối cùng, có tiêu chí đánh giá sản phẩm đầu ra,…; giải thích để có cách hiểu thống nhất về “Quỹ”, có chế tài với các doanh nghiệp không trích lập quỹ phát triển KH&CN; làm rõ khái niệm “đầu tư chiều sâu cho các tổ chức KH&CN”; việc quản lý cơ chế đầu tư đặc biệt và phương thức thực hiện đối với các nhiệm vụ KH&CN cần quy định chặt chẽ hơn, có chế tài với trường hợp không hoàn thành;…
Về dự thảo Nghị định quy định việc sử dụng, trọng dụng cá nhân hoạt động KH&CN, theo nhiều thành viên Hội đồng, Bộ KH&CN cần nghiên cứu để đổi tên Nghị định cho phù hợp; phân biệt cách tính thành tích trong các lĩnh vực khác nhau để tránh đánh đồng các trường hợp; nghiên cứu kỹ tiêu chí nhà khoa học đầu ngành, nhà khoa học trẻ; làm rõ việc sử dụng cá nhân hoạt động KH&CN; làm rõ chức danh nghiên cứu khoa học, chức danh công nghệ;…