Khoa học công nghệ nâng đà tăng trưởng ở nhiều địa phương
Quay lại Bản in Yahoo
Kết quả ứng dụng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo đóng góp vào đà tăng trưởng của nhiều địa phương, trong đó GRDP Quảng Ninh tăng 11,03%, Hải Phòng 10,34%.
Thông tin được nêu tại hội nghị Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ toàn quốc tổ chức chiều 15/3 tại Hà Nội.

Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt phát biểu tại hội nghị.

Theo Thứ trưởng các hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ góp phần nâng giá trị sản phẩm chủ lực, nâng hạng sao cho sản phẩm OCOP của các địa phương, bảo hộ nhãn hiệu, truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm hàng hóa phục vụ xuất khẩu chính ngạch.

Năm 2023 chỉ số đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng kinh tế tăng, đạt 44,8% (năm 2022 đạt 43,8%); Tỷ trọng giá trị xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao trong tổng giá trị xuất khẩu hàng hóa tăng lên 47,45%. Chỉ số đổi mới sáng tạo (GII) của Việt Nam năm 2023 tăng 2 bậc, xếp thứ 46/132 quốc gia/nền kinh tế... Theo Thứ trưởng, kết quả này có sự đóng góp của khoa học và công nghệ trong các ngành, lĩnh vực.
Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Giang phát biểu khai mạc.
Báo cáo của Vụ Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật và công nghệ cũng dẫn thêm nhiều kết quả từ các địa phương, cho thấy năm 2023 có khoảng gần 300 nhiệm vụ cấp quốc gia được triển khai thực hiện. Các nhiệm vụ nghiên cứu, ứng dụng giúp từng bước làm chủ được công nghệ chọn tạo các giống cây trồng, vật nuôi có năng suất cao, chất lượng tốt, kháng bệnh và chống chịu với điều kiện bất thuận được ứng dụng vào sản xuất.
Tại Bắc Giang, Phú Thọ, Thái Nguyên, Sơn La, Lào Cai... nghiên cứu khoa học, ứng dụng, đổi mới công nghệ đã góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo việc làm cho bà con các dân tộc trong vùng. Bắc Giang vẫn giữ vững vị trí dẫn đầu cả nước năm 2023 với tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) 13,45%.
Quảng Ninh, Hải Phòng tiếp tục duy trì đà tăng trưởng khá, GRDP tăng lần lượt là 11,03% và 10,34%, đứng thứ 3 và thứ 5 cả nước. Nam Định, Hưng Yên, Hà Nam đều nằm trong top 10 địa phương có tăng trưởng GRDP 2023 cao nhất cả nước.
Nhiều địa phương tiếp tục khẳng định thế mạnh trong xuất khẩu nông, thủy sản như: Đồng Tháp, Cà Mau, An Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu đang dẫn đầu về tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của cả vùng.
Bên cạnh chia sẻ kết quả, tại hội nghị đại diện nhiều Sở Khoa học và Công nghệ cũng kiến nghị Bộ Khoa học và Công nghệ tháo gỡ những khó khăn về cơ chế tài chính, xây dựng mạng lưới khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và các giải pháp cải thiện chỉ số đổi mới sáng tạo địa phương PII.

Ông Nguyễn Việt Dũng, giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP HCM phát biểu tại hội nghị. 

Lắng nghe các kiến nghị từ địa phương, các thứ trưởng Bùi Thế Duy, Lê Xuân Định, Trần Hồng Thái, Hoàng Minh cũng chia sẻ góc nhìn từ lĩnh vực mình quản lý, sẵn sàng cùng với địa phương tháo gỡ khó khăn để thúc đẩy ngành phát triển.
Đánh giá cao các kết quả đạt được, Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt đề nghị các địa phương tiếp tục đẩy mạnh hoạt động ứng dụng, chuyển giao công nghệ và tiến bộ kỹ thuật, nhất là trong phát triển sản phẩm trọng điểm, chủ lực của địa phương.
Bộ trưởng cũng lưu ý tập trung phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo, hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia; kết nối cung - cầu công nghệ và triển khai Bộ Chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương (PII)... đóng góp hiệu quả hơn nữa vào phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Bộ trưởng cũng yêu cầu các đơn vị trực thuộc Bộ ghi nhận các ý kiến và khẩn trương có phương án giải quyết. Trước mắt cần hoàn thiện ngay thông tư quy định việc triển khai các nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp tỉnh. Theo Bộ trưởng, việc này đã được "nâng lên, đặt xuống" từ năm 2020, nhưng còn một số vướng mắc nên chưa ban hành. Bộ trưởng giao Vụ Ứng dụng công nghệ và tiến bộ kỹ thuật hoàn thiện trong quý II/2024 trên cơ sở xin ý kiến 63 tỉnh, thành phố về dự thảo này trước khi trình lãnh đạo Bộ xem xét, ban hành.
Bộ trưởng cũng yêu cầu đưa vào vận hành Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc quốc gia, trong quý II. Đây là việc nhiều địa phương rất quan tâm, phục vụ trực tiếp cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, thương mại của hàng hóa và cũng là lời hứa của Bộ trưởng với Quốc hội.
Nêu "3 trọng tâm" của ngành khoa học công nghệ trong năm 2024 Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cho biết, một trong số đó là là sửa Luật Khoa học công nghệ năm 2013. Tiếp đến rà soát, phối hợp với các bộ, ngành liên quan để sửa đổi, bổ sung các quy định ở cấp Nghị định của Chính phủ đối với các vấn đề cơ chế đầu tư, tài chính, tài sản trang bị và hình thành trong quá trình triển khai các nhiệm vụ khoa học công nghệ.
Thứ ba, Bộ Khoa học và Công nghệ đang tập trung làm rõ nội dung về quản lý nhà nước đối với hoạt động đổi mới sáng tạo. Đây là chức năng quản lý nhà nước Chính phủ đã giao cho Bộ. Bộ đang đề xuất với Chính phủ việc cùng phối hợp với các bộ, ngành xây dựng nghị định của Chính phủ về hoạt động đổi mới sáng tạo. Đây sẽ là hành lang pháp lý quan trọng hỗ trợ cho các địa phương triển khai hoạt động đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh hoạt động ứng dụng công nghệ vào cuộc sống.
Cập nhật: 06/11/2024
Lượt xem: 1128
Lên trên