Tiêu chuẩn TCVN ISO 39001:2014 - Giải pháp quản lý an toàn giao thông đường bộ
Quay lại Bản in Yahoo
Hội thảo Khoa học “Phổ biến hướng dẫn áp dụng Hệ thống Quản lý an toàn giao thông đường bộ theo tiêu chuẩn TCVN ISO 39001:2014” vửa được tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Sự kiện do Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng phối hợp cùng Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia (Văn phòng UBATGTQG) và Trung tâm Chứng nhận Phù hợp (QUACERT) phối hợp tổ chức.


Ông Trần Quốc Dũng - Phó Giám đốc Trung tâm Chứng nhận phù hợp (QUACERT) chia sẻ thông tin về tiêu chuẩn tại hội thảo


Tiêu chuẩn TCVN ISO 39001:2014 Hệ thống quản lý an toàn giao thông đường bộ được Tổ chức Tiêu chuẩn hóa thế giới ban hành từ năm 2012. Tiêu chuẩn này quy định các yêu cầu và hướng dẫn đối với hệ thống quản lý an toàn giao thông đường bộ, giúp giảm thiểu tai nạn giao thông đường bộ, có thể áp dụng trong tất cả các khâu từ quy hoạch, thiết kế, xây dựng, khai thác, vận hành, bảo trì bảo dưỡng hệ thống giao thông đường bộ.

Tiêu chuẩn TCVN ISO 39001:2014 có tác dụng không những đối với doanh nghiệp vận tải mà là một công cụ hỗ trợ rất hữu ích cho tất cả các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan tới an toàn giao thông, trong lĩnh vực quy định pháp luật, kết cấu hạ tầng giao thông, phương tiện, người lái, ứng phó sau tai nạn, giáo dục an toàn giao thông và bảo hiểm. Xu hướng ứng dụng phương pháp tiếp cận Hệ thống an toàn toàn diện cho giao thông đường bộ, trong đó bao gồm việc áp dụng Hệ thống quản lý an toàn giao thông đường bộ theo TCVN ISO 39001:2014 đang ngày càng trở nên phổ biến trên thế giới.

Hội thảo trình bày các báo cáo về tình hình tai nạn giao thông tại Việt Nam và Tiêu chuẩn TCVN ISO 39001:2014 bao gồm: An toàn giao thông tại Việt Nam – Thực trạng và Giải pháp; Lợi ích việc áp dụng tiêu chuẩn TCVN ISO 39001:2014 – Hệ thống quản lý an toàn giao thông đường bộ; Các biện pháp giảm thương vong trong giao thông đường bộ. Các yếu tố ảnh hưởng đến kết quả thực hiện an toàn giao thông đường bộ theo tiêu chuẩn TCVN ISO 39001:2014.

Theo ông Nguyễn Thái Sơn, Đại diện Uỷ ban ATGTQG, trong những năm qua tình hình tai nạn giao thông nạn giao thông tại Việt Nam đã được kìm chế, số người chết do tai nạn giao thông đã giảm xuống dưới 8.671 người/năm, số người bị thương còn 20.556 người/năm, số vụ tai nạn giao thông giảm gần 50%, nhưng vần còn tiềm ẩn rất nhiều yếu tố gây tai nạn giao thông. Chi phí cho tai nạn giao thông mỗi năm tại Việt Nam khoảng 2,9% GDP, tương đương 5-12 tỷ USD hàng năm. Chính vì thế, trong những năm vừa qua, Chính phủ đã hết sức nỗ lực trong việc thực thi chính sách, pháp luật như Quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông; Sử dụng hê thống giám sát GPS đối với các phương tiện vận tải thương mại, Kiểm soát tải trọng xe chặt chẽ, Quản lý nghiêm việc cấp Giấy phép lái xe….Tiêu chuẩn TCVN ISO 39001:2014 là công cụ hỗ trợ hữu ích để các cơ quan quản lý nhà nước tham khảo hoạch định các chính sách pháp luật liên quan tới hạ tầng giao thông, phương tiện, người lái, ứng phó sau tai nạn, giáo dục an toàn giao thông và bảo hiểm.


Hội thảo ghi nhận nhiều ý kiến từ các đại biểu tham dự hội thảo 


Hội thảo là một trong các hoạt động của chuỗi các nội dung của Nhiệm vụ nghiên cứu triển khai cấp nhà nước “Thúc đẩy áp dụng hệ thống quản lý an toàn giao thông đường bộ theo tiêu chuẩn TCVN ISO 39001:2014” thuộc dự án “Thúc đẩy hoạt động năng suất và chất lượng” thuộc Chương trình Quốc gia “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020”. Ngoài các hội thảo được tổ chức trên khắp cả nước, Nhiệm vụ còn giúp triển khai áp dụng thành công tiêu chuẩn TCVN ISO 39001:2014 cho 10 doanh nghiệp thí điểm thuộc các lĩnh vực vận tải đường bộ, đầu tư phát triển đường cao tốc, tư vấn thiết kế giao thông vận tải, các tổ chức doanh nghiệp có tương tác với hệ thống giao thông đường bộ và đào tạo đội ngũ chuyên gia tư vấn và chuyên gia đánh giá Hệ thống quản lý an toàn giao thông theo tiêu chuẩn ISO 39001. Nhiệm vụ kéo dài từ tháng 11/2018 đến tháng 10/2020.

Là một tiêu chuẩn hệ thống quản lý, ISO 39001 hoàn toàn tương thích với các tiêu chuẩn đã và đang được áp dụng rộng rãi như ISO 9001, ISO 14001, ISO 22000, ISO 45001. ISO 50001… Phạm vi áp dụng của tiêu chuẩn ISO 39001 rất rộng, không phân biệt loại hình, quy mô, sản phẩm, dịch vụ của tổ chức, doanh nghiệp. Tất cả các đơn vị mong muốn giảm bớt và tiến tới loại bỏ rủi ro do tử vong và thương tật liên quan đến tai nạn giao thông đường bộ, mong muốn cải tiến kết quả thực hiện an toàn giao thồng đường bộ, đảm bảo sự phù hợp với chính sách an toàn giao thông đường bộ đã tuyên bố… đều có thế áp dụng hiệu quả tiêu chuẩn này.

Đối tượng hướng tới của đơn vị áp dụng hệ thống quản lý an toàn giao thông đường bộ bao gồm nhân viên đi làm, đi công tác (có thể sử dụng phương tiên cá nhân hoặc phương tiện công cộng), các hoạt động chuyên chở hàng hóa, chuyên chở người, hoặc các hoạt động có nhiều tương tác với giao thông như siêu thị, trường học, địa điểm du lịch… Đặc biệt, các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực cung cấp các sản phẩm và dịch vụ vho giao thông như hoạt động vận chuyển, quản lý, thiết kế, xây dựng và duy trì cơ sở hạ tầng, các phương tiện giao thông, thanh tra giao thông, hoạt động ứng phó với các sự cố tai nạn… khi áp dụng ISO 39001 sẽ giảm thiểu đáng kể các tác nhân gây nên tai nạn giao thông đường bộ.

Lợi ích của việc áp dụng ISO 39001 nhằm đóng góp vào nỗ lực quốc gia và toàn cầu để ngăn chặn tử vong và chấn thương nghiêm trọng trong các vụ tai nạn giao thông, giảm thiểu chi phí giải quyết tai nạn và sự cố giao thông đường bộ, tận dụng tối đa các nguồn lực sẵn có để đạt được mục tiêu kiểm soát rủi ro trên đường bộ.

Tin bài: Trần Thị Ngọc Anh - Trưởng phòng Chứng nhận Hệ thống (QUACERT)
Cập nhật: 19/03/2019
Lượt xem: 2405
Lên trên