BAN HÀNH TIÊU CHUẨN ISO 37001:2016 VỀ CHỐNG HỐI LỘ
Quay lại Bản in Yahoo

Tham nhũng và hối lộ là một trong những vấn nạn phức tạp nhất trong thời đại của chúng ta.Mặc dù đã có nhiều nỗ lực của các quốc gia và thế giới để chống lại nạn tham nhũng và hối lộ, nhưng nó vẫn ngày càng lan rộng.

Tham nhũng và hối lộ

Ngân hàng Thế giới đã ước tính rằng các hoạt động hối lộ đã “ngốn”khoảng hơn 1000 tỷ USD mỗi năm, với những ảnh hưởng cực kỳ nguy hại như làm độ ổn định nền chính trị bị lung lay, gia tăng chi phí cho các hoạt động thương mại và gây nghèo đói hơn. Ở cấp độ toàn cầu, nó là một rào cản lớn đối với các hoạt động thương mại quốc tế, trong khi đối với tổ chức, nó gây ảnh hưởng tiêu cực lớn đến tinh thần của người lao động.

Rất nhiều chính phủ đã đưa ra các biện pháp khác nhau để chống lại nạn hối lộ, ví dụ thông qua các đạo luật quốc gia cũng như các thỏa ước quốc tế như Hiệp ước Liên hiệp quốc để chống tham nhũng, tuy nhiên chúng ta vẫn có thể làm được nhiều điều hơn nữa.

Tại Việt Nam, Luật Phòng, chống tham nhũng đã được ban hành từ năm 2005, và được sửa đổi bổ sung vào năm 2012, đưa ra hành lang pháp lý cho việc phòng ngừa và chống lại tệ nạn tham nhũng. Theo đó, các hành vi như đưa và nhận hối lộ, tham ô, lạm dụng quyền, chức vụ để thu lợi bất chính đều bị coi là các hành vi tham nhũng, thuộc đối tượng điều chỉnh của Luật này.

Tuy nhiên, các kết quả vẫn không đạt như kỳ vọng. Tại Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Luật phòng chống tham nhũng ngày 12/07/2016, Chính phủ cũng thẳng thắn thừa nhận công tác phòng chống tham nhũng chưa đạt được mục tiêu đã đề ra, tình hình tham nhũng vẫn diễn biến phức tạp trên nhiều lĩnh vực. Trên trường quốc tế, Chỉ số tham nhũng của Việt Nam năm 2016 do Tổ chức Minh bạch Quốc tế (www.transparency.org)   đánh giá xếp hạng  113/176, nằm trong nhóm các quốc gia có mức độ tham nhũng cao. Theo cuộc khảo sát năm 2016 của Tổ chức Trace International (www.traceinternational.org), một cơ quan nghiên cứu và theo dõi nạn hối lộ đối với 199 quốc gia trên thế giới, Việt Nam xếp hạng 175 với 77/100 điểm, thuộc nhóm 25 quốc gia tham nhũng nhất. 

Vì vậy, cần phải có những thay đổi về mặt cấu trúc và văn hóa chống hối lộ trong các tổ chức, để có thể đóng góp đáng kể cho cuộc chiến chống hối lộ, và hoàn thiện thêm các biên pháp mà các quốc gia đang tiến hành.

Để góp phần vào những nỗ lực chống tham nhũng và hối lộ, Tổ chức Tiêu chuẩn hóa thế giới (ISO) đã ban hành Tiêu chuẩn ISO 37001 – Hệ thống quản lý Chống hối lộ, nhằm hạn chế những tác động nguy hại của tệ nạn hối lộ và tham nhũng đối với hoạt động của các Tổ chức bất kỳ, không phụ thuộc vào quy mô hoặc loại hình.

Hệ thống quản lý Chống hối lộ là gì?

Hệ thống quản lý Chống hối lộ được thiết kế để làm xây dựng văn hóa chống hối lộ trong tổ chức, và thực thi những biện pháp kiểm soát phù hợp, từ đó làm tăng khả năng phát hiện hối lộ và làm giảm phạm vi ảnh hưởng của nó. Tiêu chuẩn ISO 37001:2016, Hệ thống quản lý Chống hối lộ - Các yêu cầu và hướng dẫn sử dụng, được thiết kế để hỗ trợ và tăng cường các nỗ lực này, tạo ra sự minh bạch và rõ ràng trong hoạt động kiểm soát của tổ chức, đồng thời cung cấp cách thức thực hiện các biện pháp này một cách hiệu quả nhất. Hệ thống này có thể độc lập hoặc được tích hợp vào hệ thống quản lý chung của tổ chức.

Phạm vi của hệ thống này bao gồm việc hối lộ tại các tổ chức hoạt động trong các lĩnh vực công, lĩnh vực tư và các lĩnh vực phi lợi nhuận, bao gồm các hoạt động hối lộ bởi tổ chức hoặc các nhân viên của tổ chức, và hoạt động hối lộ được trả hoặc được nhận bởi một bên thứ ba. Hối lộ có thể diễn ra ở bất cứ đâu, có giá trị từ rất nhỏ đến rất lớn, và có thể bao gồm các lợi ích về tài chính cũng như phi tài chính.

Lợi ích mà Tiêu chuẩn này có thể đem lại cho Tổ chức

ISO 37001 được thiết kế để giúp tổ chức thực thi hiệu quả hệ thống quản lý chống hối lộ, hoặc làm tăng hiệu quả của những biện pháp kiểm soát mà tổ chức đang có sẵn.Tiêu chuẩn này yêu cầu tổ chức phải thực thi một chuỗi các biện pháp như thông qua Chính sách chống hối lộ, chỉ định người có trách nhiệm theo dõi sự tuân thủ chính sách này, điều chỉnh và đào tạo nhân viên, tiến hành đánh giá rủi ro đối với các dự án và hoạt động kinh doanh đi kèm, thực thi các biên pháp kiểm soát tài chính và thương mại, và thiết lập các thủ tục thông báo và điều tra.

Việc thực thi hệ thống quản lý chống hối lộ yêu cầu về vai trò của lãnh đạo và các quy định từ lãnh đạo cao nhất, chính sách và các chương trình cần phải được truyền đạt tới toàn bộ nhân viên và các bên liên quan như các nhà cung cấp, đối tác, khách hàng.

Theo cách tiếp cận này, tiêu chuẩn ISO 37001 sẽ làm giảm rủi ro của việc hối lộ, và có thể chứng minh cho các nhà quản lý trong tổ chức,  nhân viên, chủ sở hữu, người góp vốn, khách hàng và các bên có liên quan đến hoạt động kinh doanh, rằng tổ chức đã thiết lập biện pháp kiểm soát chống hối lộ có hiệu quả tốt được công nhận trên phạm vi toàn cầu. Trong trường hợp điều tra, nó cũng cung cấp bằng chứng cho thấy tổ chức đã có những bước hợp lý để ngăn chặn nạn hối lộ.

Đối tượng áp dụng của Tiêu chuẩn ISO 37001

Các yêu cầu trong Tiêu chuẩn ISO 37001 mang tính tổng quát, và có xu hướng áp dụng cho tất cả các tổ chức (hoặc các bộ phận của tổ chức), không phụ thuộc vào loại hình, quy mô và bản chất của các hoạt động, cũng như lĩnh vực hoạt động: hành chính công, tư nhân hoặc phi lợi nhuận của tổ chức. Có thể áp dụng cho cả các doanh nghiệp nhà nước, các tổ chức lớn, doanh nghiệp vừa và nhỏ và các tổ chức phi chính phủ.

Làm thế nào để áp dụng ISO 37001 cùng với các nỗ lực khác của tổ chức trong việc chống lại nạn hối lộ?

Các biện pháp được yêu cầu trong ISO 37001 được thiết kế để tích hợp với các quá trình quản lý và kiểm soát có sẵn của tổ chức.

ISO 37001 giúp tổ chức phát hiện, ngăn chặn và xử lý các hoạt động hối lộ, từ các hoạt động hối lộ do tổ chức hoặc dưới danh nghĩa tổ chức thực hiện, đến các hoạt động hối lộ do nhân viên hoặc đối tác của tổ chức thực hiện. Hệ thống này sử dụng một chuỗi các biện pháp đo lường và kiểm soát có liên quan đến nhau, bao gồm cả các hướng dẫn hỗ trợ, và đề cập đến các yêu cầu đối với:

- Chính sách và các thủ tục chống hối lộ;

- Cam kết và trách nhiệm của lãnh đạo cấp cao nhất;

- Có sự giám sát bởi một đại diện lãnh đạo;[51] 

- Đào tạo để chống hối lộ;

- Đánh giá rủi ro và thẩm định đối với các dự án và các hoạt động kinh doanh;

- Kiểm soát tài chính, mua sắm, thương mại và hợp đồng;

- Các hoạt động báo cáo, theo dõi, kiểm tra và xem xét;

- Các hoạt động khắc phục và cải tiến liên tục.

Chứng chỉ chứng nhận

Tổ chức có thể lựa chọn một bên thứ ba được công nhận để chứng nhận theo ISO 37001 nhằm khẳng định rằng Hệ thống Chống hối lộ của mình đáp ứng các yêu cầu của tiêu chuẩn.

Mặc dù việc được chứngnhận phù hợp với ISO 37001 không thể đảm bảo rằng không có nạn hối lộ xảy ra trong tổ chức hoặc có liên quan đến tổ chức, nhưng tiêu chuẩn này cho thấy tổ chức đã thực hiện tất cả các biện pháp phù hợp được thiết kế để ngăn chặn nạn hối lộ.

ISO 37001 được xây dựng bởi các đóng góp củanhiều tổ chức khác nhau, ví dụ như Phòng Thương mại Quốc tế, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế, Tổ chức Minh bạch Quốc tế và các chính phủ khác nhau, thể hiện quyết tâm của cộng đồng quốc tế trong việc chống hối lộ.

 

Tin bài: Phòng Chứng nhận Hệ thống - Trung tâm Chứng nhận Phù hợp(QUACERT) - Lược dịch từ www.iso.org
Cập nhật: 14/03/2017
Lượt xem: 8013
Lên trên