Đánh giá việc áp dụng, ban hành các luật liên quan đến các hành vi gây mất an toàn giao thông trên thế giới và tại Việt Nam
Quay lại Bản in Yahoo

Các hành vi chính gây tai nạn giao thông và gia tăng hậu quả của tai nạn

Theo thống kê của Uỷ ban An toàn Giao thông  Quốc gia Việt Nam, hàng năm trên cả nước xảy ra hàng chục nghìn vụ tai nạn giao thông (TNGT) đường bộ, gây thương vong cho hàng chục nghìn người và tử vong trên sáu nghìn người. Theo các chuyên gia phân tích, có rất nhiều yếu tố khách quan và chủ quan là nguyên nhân của các vụ TNGT. Bên cạnh các nguyên nhân khách quan như chất lượng hạ tầng, phương tiện, các điều kiện đảm bảo giao thông.. thì về mặt chủ quan các hành vi của người tham gia giao thông có tác động lớn tới tai hạn giao thông. Có 4 nhóm hành vi được nhận diện là các mối nguy lớn dẫn tới tai nạn giao thông và 3 nhóm hành vi có tác động làm trầm trọng hơn hậu quả của tai nạn giao thông.

Các hành vi chủ quan gây tai nạn giao thông

Một là, vượt quá tốc độ cho phép khi lái xe. Tốc độ di chuyển của xe cơ giới ảnh hưởng trực tiếp đến nguy cơ xảy ra tai nạn của những người tham gia giao thông. Vì vậy, việc quản lý tốc độ một cách có hiệu quả là chiến lược trọng tâm trong hầu hết các giải pháp được đề xuất.

Quá trình thiết lập và vận hành các bộ luật về giới hạn tốc độ cần tính đến các vấn đề liên quan như: chất lượng mặt đường, lề đường, chất lượng xe cộ và ngưỡng chịu đựng của con người. Ngay cả khi tỷ lệ vượt quá tốc độ rất nhỏ cũng gây ra nguy cơ dẫn đến tai nạn nghiêm trọng, hoặc làm giảm hiệu quả của các biện pháp và phương tiện được áp dụng nhằm ngăn ngừa tử vong và thương tật.

Tổ chức y tế thế giới WHO đã sử dụng các mô hình thử nghiệm va chạm giả lập như ATD và đưa ra các thông tin như sau:

-          Nếu các tài xế tăng 1% tốc độ cho phép sẽ tương đương với tăng 7% nguy cơ xảy ra tai nạn, trong có 3% nguy cơ xảy ra tai nạn đặc biệt nghiêm trọng.

-          Nếu các tài xế giảm 5% tốc độ cho phép có thể giảm 30% số người tử vong.

-          Đối với người đi bộ bị va chạm bởi mặt trước xe hơi, nguy cơ tử vong tăng 4,5 lần nếu tốc độ lái xe tăng từ 50 km/h lên 65 km/h

-          Nguy cơ tử vong đối với người ngồi trên xe khi có va chạm là 85% nếu tốc độ lái xe là 65 km/h.

Ảnh minh họa

Hai là, sử dụng đồ uống có cồn khi lái xe. Theo nghiên cứu của WHO, việc sử dụng đồ uống có cồn được chứng minh là làm giảm độ tỉnh táo của lái xe, và tăng nhanh theo cấp số nhân nguy cơ xảy ra tai nạn đối với các lái xe có nồng độ cồn vượt quá 0,05g/100 ml máu. Chỉ cần giảm nồng độ cồn trong máu (BAC) từ 0,1 g/100 ml xuống 0,05 g/100 ml có thể đã góp phần giảm 6-18% các trường hợp tử vong do tai nạn giao thông trên đường bộ. WHO cũng ước tính rằng 5%-35% các ca tử vong do tai nạn giao thông được báo cáo là liên quan đến rượu bia. Việc lái xe sau khi uống rượu bia làm tăng các nguy cơ gặp tai nạn và mức độ nghiêm trọng của vụ tai nạn đó.

Việc sử dụng điện thoại di động trong khi lái xe đang phổ biến ở lứa tuổi thanh niên và những người lái xe mô tô, là nguyên nhân thứ ba làm gia tăng nguy cơ tai nạn và tử vong cao trong nhóm này. Sử dụng điện thoại trong khi lái xe làm tăng khả năng bị va chạm gấp bốn lần, trong khi nhắn tin làm tăng nguy cơ va chạm khoảng 23 lần (báo cáo nghiên cứu về việc sử dụng điện thoại di động gia tăng nguy cơ tai nạn 2010). Thời gian phản ứng của tài xế cũng được chứng minh là chậm hơn 50% khi vừa sử dụng điện thoại vừa lái xe. Tương tự, các cuộc trò chuyện qua điện thoại trong xe làm giảm khả năng tập trung của tài xế hơn là nghe radio hoặc nói chuyện với hành khách.

Theo tính toán trung bình, với tốc độ xe chạy là 30km/h tại thành thị, người lái xe mất tập trung qua các thiết bị di động trong 5s, tương ứng với quãng đường 42m, quá đủ để băng qua 1 ngã ba hoặc ngã tư vắng mà không quan sát xung quanh.

Mặc dù ngày càng có nhiều đánh giá về những rủi ro liên quan đến việc lái xe mất tập trung, hiệu quả của các biện pháp can thiệp để giảm bớt việc lái xe mất tập trung vẫn chưa được ghi nhận.

Nhóm hành vi thứ tư là việc sử dụng ma túy, tiền chất ma túy. Dữ liệu từ Hoa Kỳ cho thấy trong số những người lái xe bị thương nặng có kết quả xét nghiệm ma túy dương tính chiếm tỷ lệ cao, 43,6% trong năm 2020, tăng thêm 27,8% so với 10 năm trước đó. Nguy cơ tai nạn và tử vong khác nhau tùy thuộc vào ảnh hưởng của loại thuốc thần kinh mà lái xe sử dụng. Trong đó khuyến cáo rằng Amphetamines làm tăng nguy cơ bị tai nạn chết người gấp năm lần và nguy cơ bị tai nạn gấp sáu lần.

Ảnh hưởng của việc sử dụng chất gây nghiện trong khi lái xe đang là vấn đề khó giải quyết ở nhiều quốc gia, do vẫn được đánh giá chỉ là một trong những tiền chất được đưa vào trong hành vi sử dụng đồ uống có cồn, chất kích thích mang lại nhiều tác dụng phụ rất nguy hiểm và khó phát hiện ( chỉ sau khi xảy ra tai nạn mới có kiểm tra dương tính với chất kích thích – không có phương pháp xác định, đánh giá, mô hình tính toán trước khi cầm lái). Chỉ có duy nhất 75 báo cáo cấp độ quốc gia ( tương ứng với 75 /200 nước) về việc có kiểm tra chất kích thích sau khi đã xảy ra các tai nạn nghiêm trọng.

Nhóm hành vi làm trầm trọng thêm hậu quả của tai nạn giao thông

Việc không sử dụng mũ bảo hiểm hoặc sử dụng mũ bảo hiểm không đạt chuẩn và không đúng cách khi lái xe gắn máy, xe đạp làm tăng chấn thương và tỷ lệ tử vong.

Từ năm 2013 đến 2016, số lượng xe hai và ba bánh đang lưu hành trên các con đường trên toàn thế giới đã tăng 10%. Trong mười quốc gia có số lượng xe lớn nhất, xe máy chiếm hơn 70% số lượng xe. Việc người tham giao thông sử dụng mũ bảo hiểm đạt chuẩn và sử dụng đúng quy cách sẽ đem lại cho họ cảm giác an toàn khi tham gia giao thông. Sử dụng mũ bảo hiểm đúng cách có thể giúp giảm 42% nguy cơ gây tử vong và giảm 69% nguy cơ chấn thương sọ não. Các nước cần quy định việc sử dụng mũ bảo hiểm cho tất cả người trên xe gắn máy, kể cả trẻ em, và cần được hỗ trợ bởi các chiến dịch nâng cao nhận thức cộng đồng.

Nguồn:

Một hành vi được đánh giá ở mức độ tác động khá cao trong bảo đảm an toàn cho người điều khiển và người ngồi trên xe trong khi di chuyển không thể không nói đến đó là việc sử dụng đai an toàn khi lái xe ô tô.

Đeo dây an toàn giúp giảm 45-50% nguy cơ tử vong và thương tật do tai nạn ở người lái xe và người ngồi ghế trước. Đối với những người ngồi ghế sau, tỷ lệ là  25%. Luật bắt buộc thắt dây an toàn là một phương pháp có hiệu quả để giảm tử vong và thương tật do tai nạn giao thông đường bộ, đặc biệt tại các nước thu nhập trung bình và thu nhập thấp. Việc sử dụng dây an toàn cần được phổ biến tuyên truyền và kiểm soát nghiêm ngặt để trở thành thói quen giúp giảm thiểu tai nạn giao thông đường bộ.

Một hành vi ít được chú ý là sử dụng ghế an toàn dành cho trẻ em. Việc này có thể kéo giảm ít nhất 60% tỷ lệ tử vong trong các tai nạn giao thông đường bộ. Theo các nghiên cứu đã được chứng minh, việc sử dụng ghế an toàn cho trẻ em đặc biệt hiệu quả đối với trẻ dưới bốn tuổi. Đối với trẻ từ 8-12 tuổi, việc sử dụng thiết bị an toàn thiết kế cho trẻ em trên ô tô có thể kéo giảm 19% tỷ lệ tử vong và thương tật do tại nạn giao thông so với việc chỉ sử dụng dây an toàn. Vị trí của trẻ em ở ghế cũng rất quan trọng vì ghế trước có nguy cơ chấn thương cao hơn so với ghế sau.

 

Trên đây là các hành vi chủ yếu gây ra tai nạn cũng như gây tác động lớn tới mức độ thương tật và tử vong trong giao thông đường bộ trên thế giới và tại Việt Nam. Việc hiểu và loại bỏ các hành vi này trong quá trình tham gia giao thông sẽ giúp cho các vụ tai nạn và mức độ thiệt hại về sức khỏe giảm đáng kể, góp phần vào chiến lược An toàn giao thông quốc gia đã được Chính phủ Việt Nam phê duyệt trong cả thập kỷ vừa qua.       

Vậy với 7 nhóm hành vi trên, thế giới đã xác định và cụ thể hóa trong pháp luật tại từng nước như thế nào, cùng đón xem bài kế tiếp:

Đánh giá việc áp dụng, ban hành các luật liên quan đến các hành vi gây mất an toàn giao thông trên thế giới và tại Việt Nam

                                                  Phòng Chứng nhận Hệ thống – QUACERT


Cập nhật: 07/12/2021
Lượt xem: 3837
Lên trên