Cơ chế điều chỉnh biên giới Carbon (CBAM) và những tác động đến xuất khẩu của Việt Nam
Quay lại Bản in Yahoo

Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) là gì?


EU đang tiến hành kế hoạch để đạt được mục tiêu tham vọng trở thành lục địa trung hòa khí carbon vào năm 2050. Tuy nhiên, EU lo ngại các doanh nghiệp EU có thể chuyển những hoạt động sản xuất phát thải nhiều carbon ra nước ngoài để tranh thủ các tiêu chuẩn còn lỏng lẻo, hay còn gọi là “rò rỉ carbon” qua việc chuyển lượng khí thải ra ngoài châu Âu và làm suy yếu nghiêm trọng tham vọng trung hòa khí hậu của EU và toàn cầu.

Để ngăn chặn nguy cơ này, EU quyết định sẽ cân bằng giá carbon giữa sản phẩm nội địa và nhập khẩu bằng Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM). EU cũng tin rằng, một Cơ chế xanh đối với hàng hóa nhập khẩu từ bên ngoài EU thông qua hệ thống định giá hợp lý lượng carbon thải ra trong quá trình sản xuất sẽ khuyến khích ngành công nghiệp sạch hơn ở các nước ngoài EU.

Về bản chất, Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (The EU's Carbon Border Adjustment Mechanism - CBAM) sẽ đánh thuế carbon đối với tất cả hàng hóa nhập khẩu vào thị trường các nước thuộc Liên minh Châu Âu (EU) dựa trên cường độ phát thải khí nhà kính trong quy trình sản xuất tại nước sở tại.

Về cơ chế cụ thể, nhà nhập khẩu hàng vào EU theo Cơ chế CBAM đăng ký với cơ quan quản lý trong nước và mua chứng chỉ CBAM. Giá của chứng chỉ dựa vào giá tín chỉ phát thải hàng tuần của Hệ thống thương mại khí thải của Liên minh châu Âu (EU ETS). Nhà nhập khẩu trong EU kê khai hàm lượng phát thải trong hàng nhập khẩu và giao nộp số lượng tín chỉ tương ứng của mỗi năm. Nếu nhà nhập khẩu chứng minh được giá carbon đã được thanh toán khi sản xuất hàng nhập khẩu, lượng phát thải tương ứng có thể được khấu trừ.

EU phân loại hàng hóa thành 2 loại để tính suất phát thải thực tế gồm: Hàng hóa đơn giản và hàng hóa phức tạp. Hàng hóa phức tạp sẽ tính toán cả lượng phát thải của nguyên liệu đầu vào. Như vậy, các doanh nghiệp phải nhận thức được rằng, phát thải được tính cho hàng hóa không chỉ đơn giản phát sinh trong quá trình sản xuất, mà còn cả từ nguyên liệu, nghĩa là các doanh nghiệp phải báo cáo chi tiết về hàng hóa đầu vào.

Việc đánh thuế này là trụ cột quan trọng trong các chính sách khí hậu của châu Âu và cũng là một trong những cơ chế mà EU khuyến khích các đối tác thương mại khử carbon trong lĩnh vực sản xuất.

Các nguyên tắc chung của CBAM


  • Phạm vi sản phẩm: Xi Măng, Sắt và Thép, Nhôm, Phân Bón, Điện Và Hydro.
  • Phạm vi phát thải rộng: Ngoài lượng phát thải trực tiếp, việc tính toán lượng phát thải liên quan (tổng lượng phát thải khí nhà kính cần thiết để sản xuất một sản phẩm) của các sản phẩm trong phạm vi CBAM cũng phải đưa vào “phát thải gián tiếp” (lượng phát thải điện được sử dụng trong quá trình sản xuất các sản phẩm trong phạm vi).
  • Cơ quan CBAM trung ương: Một cơ quan CBAM trung ương duy nhất của EU chịu trách nhiệm thực hiện CBAM thay cho cơ quan địa phương ở mỗi Quốc gia Thành viên EU.

Các mốc thời gian và lộ trình thực hiện:

Ngày 16/05/2023: Quy định (EU) 2023/956 ngày 10/5/2023 của Ủy ban Châu Âu về Thiết lập Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon tại EU (CBAM) bắt đầu có hiệu lực.

01/10/2023 – 31/12/2025: Giai đoạn chuyển tiếp. Trong giai đoạn này, các nhà nhập khẩu có nghĩa vụ báo cáo theo quy định tại Điều 33, 34 và 35 của Quy định (EU) 2023/956. Nhà nhập khẩu tại EU sẽ phải báo cáo hàng quý về lượng khí thải nhà kính của một số sản phẩm nhập khẩu vào EU trong vòng 30 ngày kể từ ngày kết thúc quý. Đợt báo cáo đầu tiên các nhà nhập khẩu phải nộp  kết thúc vào ngày 31/01/2024.

Theo quy định của CBAM hiện nay, trong giai đoạn chuyển tiếp, các mặt hàng hiện đang áp dụng cơ chế này bao gồm sắt thép, nhôm, điện, xi măng, phân bón và hydrogen. Đây là những lĩnh vực chiếm tới 94% lượng khí thải công nghiệp của EU. Tuy nhiên, cuối năm 2025 Ủy ban châu Âu (EC) sẽ đánh giá về hoạt động của CBAM và có thể mở rộng phạm vi sang nhiều sản phẩm và dịch vụ hơn.

1/1/2026 – 31/12/2034: Giai đoạn vận hành. Trong giai đoạn vận hành từ 2026-2034, các nhà nhập khẩu hàng hóa thuộc phạm vi điều chỉnh của CBAM tại EU sẽ phải mua chứng chỉ CBAM. Trước ngày 31/5 hàng năm, nhà nhập khẩu EU phải khai báo về số lượng hàng hóa và lượng phát thải tích hợp trong những hàng hóa được nhập khẩu của năm trước. Đồng thời, nhà nhập khẩu nộp lại số lượng chứng chỉ CBAM tương ứng với lượng phát thải khí nhà kính có trong sản phẩm. Trong giai đoạn này, EU sẽ dần dần loại bỏ việc phân bổ miễn phí hạn ngạch phát thải khí nhà kính.

Các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu có thể mua chứng nhận CBAM từ cơ quan có thẩm quyền được chỉ định ở nước sở tại thuộc thành viên liên minh EU và giá của chứng nhận này sẽ căn cứ vào giá trung bình theo tuần của Giá phát thải EU ETS (hiện nay đang ở mức 80-100 EUR/tấn carbon tương đương)

1/1/2034: Giai đoạn Vận hành toàn bộ.

Từ năm 2034, CBAM chính thức vận hành toàn bộ, các nhà máy, doanh nghiệp sẽ không còn được cấp hạn ngạch phát thải CO2 miễn phí và phải nộp 100% phí CBAM.

LỘ TRÌNH THỰC HIỆN CBAM 

Những tác động của CBAM đến xuất khẩu của Việt Nam và các khuyến nghị về giải pháp


Hiện tại, CBAM có tác động trực tiếp đến 4 ngành công nghiệp chính của Việt Nam là sắt thép, xi măng, phân bón và nhôm, đây đều không phải những ngành xuất khẩu mạnh của nước ta sang EU. Do đó, trong ngắn hạn, xuất khẩu tổng thể của Việt Nam sang EU sẽ không bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Tuy nhiên, về cơ bản việc áp dụng CBAM sẽ làm tăng giá hàng hóa xuất khẩu, do đó làm giảm khả năng cạnh tranh của hàng xuất khẩu Việt Nam và kéo theo đó là những ảnh hưởng tới nhu cầu tại thị trường EU.

Nhằm đánh giá các tác động của CBAM đến Việt Nam, các chuyên gia đã tiến hành nghiên cứu, khảo sát trên 4 lĩnh vực hiện có hàng hóa xuất khẩu đáng kể vào thị trường EU là: nhôm, thép, xi măng và phân bón. Xét về tổng thể toàn bộ nền kinh tế, tác động của CBAM không lớn, nhưng đối với từng ngàng hàng, từng doanh nghiệp, giá trị xuất khẩu giảm đi là con số không nhỏ, làm gia tăng áp lực với các doanh nghiệp.

Trong đó, lĩnh vực thép có khả năng sẽ giảm khoảng 4% giá trị xuất khẩu. Nhu cầu giảm kéo theo sản lượng giảm khoảng 0,8%, cùng với tác động bất lợi về giảm khả năng cạnh tranh trên thị trường. Giá trị xuất khẩu của ngành nhôm cũng giảm hơn 4% và sản lượng giảm khoảng 0,4%. Đối với ngành xi măng và phân bón, mức độ tác động không đáng kể.

Về lâu dài, phạm vi của CBAM có thể được mở rộng để bao gồm cả phát thải gián tiếp và các lĩnh vực khác cũng như các sản phẩm sử dụng nhiều carbon. Hiện tại EU cũng đã thêm 63 ngành và phân ngành được xem là có rủi ro rò rỉ carbon cao trong giai đoạn 2021 - 2030, tập trung vào các lĩnh vực:

- Năng lượng và khoáng sản

- Sản xuất và chế biến một số loại thực phẩm (đường, tinh bột, khoai tây, cà chua)

- Sản xuất một số sản phẩm dệt may

- Hóa chất

- Xây dựng

Hơn nữa, sau khi CBAM được áp dụng, một phản ứng dây chuyền có thể xảy ra khi các thị trường phát triển khác, chẳng hạn như Hoa Kỳ, Canada và Nhật Bản đưa ra các cơ chế riêng của họ để giảm khí nhà kính (GHG) khi nhập khẩu. Hiện tại, Hoa Kỳ đang xây dưng Đạo luật cạnh tranh Sạch (Clean Competition Act - CCA), bản dự luật lần 1 đã được ban hành vào tháng 7 năm 2021 và dự kiến áp dụng sau năm 2023. CCA bao gồm 25 lĩnh vực, chẳng hạn như dầu mỏ, khí đốt tự nhiên, phân bón, sắt thép, giấy thủy tinh và các lĩnh vực khác. Giá carbon đề xuất là 55 USD/tấn CO2 với mức tăng điều chỉnh mỗi năm. Thuế carbon sẽ áp dụng cho phần chênh lệch giữa lượng phát thải thực tế và lượng phát thải cơ bản của Hoa Kỳ.

Để ứng phó với quy định này của EU, theo các chuyên gia, Việt Nam nên lựa chọn giải pháp chấp nhận Cơ chế CBAM và tìm cách giảm thiểu tác động tích cực của cơ chế này.

Một số đề xuất để hạn chế tác động tiêu cực của CBAM

Đối với cơ quan quản lý và các nhà hoạch định chính sách

Việt Nam cần có quy định chi tiết, cụ thể để hướng dẫn doanh nghiệp chủ động tiếp cận CBAM và lộ trình tiếp cận CBAM của Việt Nam.


  • Xây dựng cơ chế định giá carbon và thị trường tín chỉ carbon của Việt Nam. Một cơ chế định giá carbon chính xác sẽ là cơ sở để các doanh nghiệp xuất khẩu làm việc với người mua hàng tại EU và đóng vai trò là nền tảng cho các cuộc đàm phán thương mại với EU liên quan đến CBAM. Đồng thời, một phần thuế mà các nhà xuất khẩu có thể phải nộp cho EU sẽ ở lại trong nước và có thể được dùng cho các hoạt động giảm lượng khí thải carbon của Việt Nam.

  • Chủ động đối thoại với EU để làm rõ các quy định về CBAM, các mặt hàng, lĩnh vực thuộc đối tượng áp dụng hoặc ưu đãi, miễn giảm.

  • Cung cấp các gói ưu đãi về thuế hay tín dụng để hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi sang công nghệ sản xuất xanh hơn.

  • Đối với doanh nghiệp xuất khẩu

  • Các doanh nghiệp phải theo dõi chặt chẽ tiến độ của CBAM và chủ động chuẩn bị kế hoạch ứng phó nhằm giảm thiểu tác động đến hoạt động sản xuất và xuất khẩu.

  • Nghiên cứu kỹ các yêu cầu về báo cáo phát thải khí nhà kính, phát triển các quy trình nội bộ, hệ thống tính toán lượng phát thải phục vụ báo cáo CBAM.

  • Đánh giá tác động tài chính tiềm ẩn của CBAM đối với hoạt động xuất khẩu bao gồm cả tác động lên chiến lược quảng cáo, tiếp thị sản phẩm.

  • Đánh giá các cơ hội thương mại nếu sản phẩm ít phát thải carbon hơn và “xanh hơn” so với mức trung bình của ngành và đối thủ cạnh tranh hiện tại.

  • Áp dụng các chính sách khử carbon, các quy trình, phương pháp sản xuất xanh hơn để giảm lượng khí thải trong suốt quá trình sản xuất.

  • Nguồn: Trương Thị Quỳnh Vân, "Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) và những tác động đến xuất khẩu của Việt Nam (vioit.org.vn)" Phòng Thông tin và xúc tiến thương mại - VIOIT.

Cập nhật: 05/11/2024
Lượt xem: 1295
Lên trên