Tiêu chuẩn ISO 9001 về hệ thống quản lý chất lượng do Ủy ban Kỹ thuật ISO/TC 176 của Tổ chức Tiêu chuẩn hóa Quốc tế (ISO) phát triển, là tiêu chuẩn hệ thống quản lý được sử dụng rộng rãi nhất trên thế giới. Tiêu chuẩn được áp dụng cho việc thiết lập và cải tiến thường xuyên hệ thống quản lý chất lượng tại các tổ chức, doanh nghiệp không phân biệt loại hình, quy mô hay sản phẩm, dịch vụ cung cấp. Được ban hành lần đầu vào năm 1987, tiêu chuẩn hiện tại ISO 9001:2015 là phiên bản lần thứ 5. Tính đến cuối năm 2023, toàn thế giới có trên 1.471.685 chứng chỉ ISO 9001 đã được cấp, trong đó Việt Nam có 5.638 chứng chỉ, cho thấy mức độ phổ biến và tầm quan trọng của tiêu chuẩn trong việc đảm bảo chất lượng sản phẩm, dịch vụ của các tổ chức, doanh nghiệp.
Quá trình sửa đổi ISO 9001 hiện nay:
Vào tháng 11/2023: ISO/TC 176/SC 2 (Tiểu ban kỹ thuật Hệ thống quản lý) đã thành lập Nhóm công tác 29 (WG29) để chính thức khởi động sửa đổi tiêu chuẩn ISO 9001.
Tháng 12/2023: WG29 họp lần đầu tại London, Anh để xây dựng bản Dự thảo làm việc (Working Draft - WD).
Từ tháng 2 đến tháng 4/2024, WG29 xem xét các ý kiến thu thập được để xây dựng Dự thảo Ủy ban (Committee Draft - ISO/CD 9001).
Tháng 4/2024: ISO/CD 9001 được đưa ra để lấy ý kiến từ hơn 105 Tổ chức Tiêu chuẩn Quốc gia và các tổ chức liên kết.
Tháng 7/2024: ISO/TC 176/SC 2 quyết định cần có bản Dự thảo Ủy ban thứ hai (CD2), do bản CD chưa sẵn sàng để chuyển sang Dự thảo Tiêu chuẩn Quốc tế (DIS), vẫn còn nhiều vấn đề về cấu trúc cần và có nhiều ý kiến cần tiếp tục được xem xét.
Tháng 9/2024: WG29 đã họp để xem xét hơn 1600 ý kiến từ các chuyên gia toàn cầu và quyết định kéo dài thời gian phát triển tiêu chuẩn thêm 12 tháng so với kế hoạch ban đầu.
Các giai đoạn tiếp theo gồm hoàn thiện Dự thảo tiêu chuẩn quốc tế (ISO/DIS 9001) vào tháng 7/2025 và Dự thảo tiêu chuẩn quốc tế cuối cùng (ISO/FDIS 9001) tháng 4/2026, sau đó bỏ phiếu thông qua để ban hành chính thức vào tháng 9/2026.
Tổ chức, doanh nghiệp đã chứng nhận hệ thống quản lý chất lượng theo ISO 9001:2015 sẽ có thời hạn 3 năm để chuyển đổi chứng nhận sang tiêu chuẩn mới. Sau tháng 9/2029, chứng nhận theo ISO 9001:2015 sẽ không còn hiệu lực.
Những thay đổi chính trong ISO/CD 9001:
Cấu trúc cốt lõi của tiêu chuẩn sẽ không thay đổi. Việc sửa đổi sẽ chỉ cập nhật Cấu trúc cấp cao (HLS) hiện tại thành Cấu trúc hài hòa (HS) như đã thực hiện trong bản cập nhật ISO/IEC 27001:2022 gần đây. Tiếp tục duy trì các nguyên tắc quản lý chất lượng, cách tiếp cận quá trình theo chu trình PDCA và tư duy dựa trên rủi ro.
Các điểm thay đổi chính của ISO 9001 phiên bản mới gồm:
Thay đổi tiêu đề của tiêu chuẩn: Tiêu đề “Hệ thống quản lý chất lượng — Các yêu cầu” hiện tại được chuyển thành “Hệ thống quản lý chất lượng — Các yêu cầu và hướng dẫn sử dụng”. Nội dung hướng dẫn trong tiêu chuẩn ISO/TS 9002:2016 — Hướng dẫn áp dụng ISO 9001:2015 dự kiến sẽ được đưa vào Phụ lục A của ISO 9001.
Bổ sung yêu cầu về "đạo đức và liêm chính": Bổ sung yêu cầu về đạo đức và liêm chính trong thực hành của lãnh đạo doanh nghiệp và khuyến khích thúc đẩy các nguyên tắc này trong toàn bộ doanh nghiệp.
Bổ sung yêu cầu về "sứ mệnh, tầm nhìn, giá trị và văn hóa chất lượng": Tháng 8/2022, ISO đã chính thức ban hành tiêu chuẩn ISO 10010:2022 Hướng dẫn để hiểu, đánh giá và cải tiến văn hóa chất lượng của doanh nghiệp. Trong lần sửa đổi ISO 9001 này, văn hóa chất lượng sẽ được liên kết với sứ mệnh, tầm nhìn và giá trị của doanh nghiệp, tạo động lực cho việc xây dựng và duy trì chất lượng.
Chú ý hơn đến vấn đề biến đổi khí hậu: Tháng 2/2024, ISO cũng đã phát hành bản sửa đổi cho nhiều tiêu chuẩn hệ thống quản lý, trong đó bổ sung yêu cầu "tổ chức phải xác định xem biến đổi khí hậu có phải là một vấn đề liên quan hay không" trong điều 4.1 và thêm "Note: các bên liên quan có thể có các yêu cầu về biến đổi khí hậu" trong điều 4.2. ISO 9001 bản sửa đổi năm 2026 cũng sẽ làm rõ thêm yêu cầu và trách nhiệm của doanh nghiệp đối với các vấn đề về biến đổi khí hậu.