Khai mạc COP29 về biến đổi khí hậu tại Azerbaijan

Hội nghị lần thứ 29 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP29) đã chính thức khai mạc vào ngày 11/11/2024 tại Baku, Azerbaijan và sẽ kéo dài đến ngày 22/11.

(Ảnh: Reuters)

Chỉ trong hai tháng 9 và 10, thế giới đã liên tiếp trải qua một loạt các thảm họa thiên tai như bão Yagi ở châu Á, bão Boris ở các nước Trung Âu, siêu bão Helene ở Mỹ và gần đây nhất là cơn lũ lụt kinh hoàng vào cuối tháng 10 ở Tây Ban Nha. Những thảm họa này đi qua để lại thiệt hại nặng nề về cả con người cũng như tài sản.

Tại Việt Nam, bão Yagi đổ bộ gây ảnh hưởng tới 26 tỉnh miền Bắc và Thanh Hóa, gây ra trận mưa lớn nhất trong vòng vài chục năm qua khiến 20/25 tỉnh thành phố ngập lụt (theo dữ liệu từ Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia). Bên cạnh đó là một loạt những con số về thương vong và thiệt hại: 336 người tử vong và mất tích, 257.000 căn nhà bị sập đổ hư hai, 305 sự cố đê điều, 262.000 ha lúa và hoa màu bị ngập úng, 22.237 cây ăn quả bi hư hại, 2.250 lồng bè thủy sản hư hỏng bị cuốn trôi, 2,3 triệu gia súc gia cầm chết, 310.000 cây xanh đô thi gãy đổ… Ước tính tổng thiệt hại lên đến 40.000 tỷ đồng.

 

Hậu quả của bão Yagi tại làng Nủ, Lào Cai

(Ảnh: TTXVN)

Bên cạnh đó, theo khảo sát mới nhất của Cơ quan theo dõi biến đổi khí hậu Copernicus (C3S) của Liên minh châu Âu, năm 2024 được dự báo là năm kỉ lục “nóng nhất trong lịch sử nhân loại”. Với bối cảnh tần suất các thảm họa thiên nhiên xuất hiện khắp thế giới ngày càng gia tăng, hội nghị COP29 diễn ra trong kì vọng chính phủ các nước có thể hành động quyết liệt hơn và cùng nhau phối hợp để giảm phát thải khí nhà kính.

COP 29 có sự tham gia của trên 51.000 đại biểu, tập hợp các nhà lãnh đạo thế giới và các nhà đàm phán từ các quốc gia thành viên của Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (UNFCCC). Tuy nhiên, hội nghị năm nay ghi nhận sự vắng mặt của một số lãnh đạo các nước phát triển như Mỹ, Nga, Pháp và Chủ tịch Ủy ban Châu Âu bà Ursula von der Leyen cũng đã xác nhận sẽ không tham dự. Trong số các đại diện tham gia, chỉ có số ít lãnh đạo thuộc các nước trong nhóm G20 – các quốc gia chiếm gần 80% lượng phát thải khí thải toàn cầu.

Đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị COP29 dẫn đầu bởi Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành và bao gồm đại diện các Bộ: Tài nguyên và Môi trường, Công Thương, Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Khoa học và Công nghệ, Ngoại giao, các thành viên Ban công tác đàm phán của Việt Nam về biến đổi khí hậu; đại diện một số cơ quan, địa phương, ngân hàng, doanh nghiệp đang triển khai thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP26.

Đoàn Việt Nam tham dự phiên khai mạc COP 29

(Ảnh: Báo Tài nguyên và Môi trường)

Hội nghị diễn ra với mục tiêu thúc đẩy tiến trình toàn cầu với các nhà lãnh đạo doanh nghiệp, thanh niên, các nhà khoa học về khí hậu, người dân bản địa và xã hội dân sự, chia sẻ những hiểu biết sâu sắc và các phương pháp tốt nhất để tăng cường hành động vì khí hậu toàn cầu, cộng đồng và toàn diện.

Một trong những ưu tiên chính của COP 29 là đảm bảo một mục tiêu mới về tài chính khí hậu, đảm bảo mọi quốc gia đều có phương tiện để thực hiện hành động vì khí hậu mạnh mẽ hơn, cắt giảm khí thải nhà kính và xây dựng các cộng đồng vững mạnh.

Cụ thể hơn, lần đầu tiên sau 15 năm kể từ Hội nghị tại Copenhagen (Đan Mạch) năm 2009, các quốc gia sẽ cùng đàm phán tìm ra số tiền thích hợp mà các nước đang phát triển sẽ được nhận để ứng phó với các vấn đề liên quan đến khí hậu. Mức ban đầu các nước phát triển cam kết hổ trợ là 100 tỷ USD/ năm. Song, thực tế cho thấy con số này không còn phù hợp để đáp ứng nhu cầu hiện tại và con số mới mà các quốc gia phát triển mong muốn được nâng lên là 1.000 tỷ USD. Tại hội nghị COP27 ở Ai Cập trước đây, các nước phát triển đã đồng ý với con số 661 triệu USD để đóng góp vào Quỹ ứng phó với mất mát và thiệt hại nhằm giúp các quốc gia đang phát triển khắc phục hậu quả do biến đổi khí hậu gây ra.

Tuy nhiên, vấn đề tài chính vẫn luôn là một vấn đề nan giải của Hội nghị. Đặc biệt đối với Hội nghị năm nay, một trong các “ông lớn” có ảnh hưởng đáng kể đến chương trình nghị sự  là Mỹ, lại đang đối mặt với sự kiện lớn về chính trị, gây lo ngại cho cộng đồng quốc tế về việc cam kết hỗ trợ sẽ bị lung lay.

Cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vừa qua kết thúc với kết quả ông Donald Trump đắc cử vị trí tổng thống. Trong quá khứ, ở nhiệm kì đầu tiên của mình, Tổng thống Donald Trump đã thể hiện quan điểm của mình về việc các quy định về môi trường là “không cần thiết và phá hủy các việc làm”. Không những vậy, ông vẫn luôn duy trì quan điểm biến đổi khí hậu là “trò lừa bịp”, là vấn đề “tưởng tượng”, “không tồn tại” hay “một loại thuế rất tốn kém”. Trong cuộc tranh luận vào tháng 6 với tổng thống tiền nhiệm Joe Biden, Trump đã đưa ra nhận định rằng Hiệp định Paris là “bóc lột Mỹ”, là “thảm họa” với nền kinh tế Mỹ.

Mặc dù dưới thời tổng thống Barack Obama, năm 2015, Mỹ đã gia nhập Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, nhưng đến năm 2017, Tổng thống Donald Trump đã tuyên bố rút khỏi Hiệp định và quyết định này chính thức được thực hiện vào năm 2020. Hiện tại, do quyết định tái gia nhập Hiệp định của Tổng thống Joe Biden năm 2021, Mỹ vẫn đang cam kết thực hiện Thỏa thuận Paris. Tuy nhiên, với nhiệm kì mới của mình, khả năng cao tổng thống Trump sẽ một lần nữa rút Mỹ khỏi Hiệp định và thêm vào đó là ủng hộ việc thúc đẩy sản xuất các nhiên liệu hóa thạch, “xóa sổ” các quyết định liên quan đến khí hậu hiện hành.

Trong cuộc phỏng vấn với Financial Times, Carla Sands - cố vấn của ông Trump khi được hỏi về dự định của ứng viên Tổng thống với chính sách về chống biến đổi khí hậu đã trả lời rằng “Vào ngày đầu tiên của nhiệm kỳ thứ 2, tổng thống cam kết bãi bỏ mọi quy định triệt tiêu việc làm và phá hủy ngành công nghiệp của Joe Biden”.

Bên cạnh vấn đề về tài chính, các quốc gia tham gia sẽ tiếp tục thảo luận về tiến độ thực hiện cam kết chuyển đổi nhiên liệu hóa thạch như đã thỏa thuận ở COP28. Ngoài ra, một vấn đề nhận được nhiều sự chú ý khác là việc làm rõ các quy định về giao dịch tín chỉ carbon thu được thông qua việc bảo vệ rừng cũng như các nguồn hấp thụ carbon tự nhiên khác.

Chúng ta cùng đón chờ kết quả của COP29, hy vọng rằng những nỗ lực chung sẽ tiếp tục được thúc đẩy để đưa thế giới đến một tương lai xanh hơn, bền vững hơn cho các thế hệ mai sau.

                                                                    Thùy Dương Phòng Chứng nhận hệ thống-Tổng hợp