Một số phương pháp ủ phân hữu cơ truyền thống

Phương pháp ủ nóng

          Trong nông nghiệp hữu cơ khuyến khích bà con sử dụng phương pháp ủ nóng vì với phương pháp này chất lượng phân ủ tốt hơn. 

Các bước làm phân ủ truyền thống như sau:

    Bước 1. Chuẩn bị vị trí ủ phân

Chọn nơi không bị ngập úng, có bóng râm và thoát nước tốt. Để thoát nước tốt, chọn nền đất đồi trọc tốt hơn nền cứng ví dụ như nền bê tông. 

    Bước 2. Tập kết vật liệu

Tập kết toàn bộ vật liệu ủ cùng nhau tại vị trí ủ. Đảm bảo có đủ và đúng số lượng của mỗi loại vật liệu khác nhau được đưa vào đống ủ. Một hỗn hợp ủ bao gồm 3 loại vật liệu chính theo một tỷ lệ sau đây:

    - Vật liệu của tất cả các loại cây xanh (cây phân xanh, cỏ tươi, thân lá cây tươi…) chiếm khoảng 50%. Đây là nguồn vật liệu được tận dụng từ các loại phế phụ phẩm trong sản xuất nông nghiệp trong vùng sản xuất hữu cơ như thân lá cây ngô, cây lạc, đậu tương…..

- Vật liệu thô: Rơm, rạ, lá cây khô hoặc vật liệu giàu cacbon tương tự chiếm 20 - 30%. Có thể sử dụng trấu nhưng lượng đưa vào không nên quá nhiều. 

    - Phân động vật: (20 - 30%).

Vật liệu xanh sẽ cung cấp cacbon và nitơ (đạm), rơm hầu hết chỉ cung cấp cacbon, trong khi phân động vật cung cấp đạm và thức ăn cho vi khuẩn.

    Bước 3. Tạo vật liệu thành đống

Đống ủ được làm bằng một loạt các lớp vật liệu. - mỗi lớp dày khoảng 15 - 25 cm.

Lớp đầu tiên nên là những vật liệu thô, sử dụng những cành, que nhỏ. Những vật liệu này sẽ đảm bảo cho không khí lưu thông và thoát nước dễ.

Lớp thứ 2 là lớp vật liệu khó phân huỷ hơn như rơm, rạ, cỏ khô, trấu  hoặc thân lá ngô khô.

Lớp thứ 3 là lớp phân động vật (ướt) phủ lên lớp vật liệu thực vật.
Lớp thứ 4 là lớp vật liệu xanh dễ phân hủy như cỏ tươi, lá cây, các tàn dư rau quả.

Sau đó dùng nước hoặc nước tro và nước giải (nếu có từ chuồng trại) có thể được tưới nhẹ lên trên các lớp để thúc đẩy sự phân hủy nhanh hơn.

Tiếp tục lặp lại các lớp, trừ lớp vật liệu khô cành, cây khô cho đến khi đống ủ đạt độ cao từ 1- 1,5m hoặc đến khi hết vật liệu đã chuẩn bị.

Chú ý:


- Lớp trên cùng luôn là lớp các vật liệu xanh.

- Khi rải các lớp xuống phải bắt đầu từ rìa đống để nó không bị đổ.

          - Không nén hoặc dẫm lên đống ủ trong khi tạo đống. Nếu các vật liệu bị nén quá chặt sẽ làm giảm lưu thông không khí trong đống và làm cho tiến trình ủ bị chậm hoặc không được hoàn toàn. Lỗ thông khí được tạo ra bởi các cây tre có cắt những lỗ ở trong và đặt cả hai chiều ngang và thẳng đứng qua đống phân sẽ cải thiện sự lưu thông của không khí.

Bước 4. Nước với đống ủ

Sau khi tạo đống xong thì tưới nước đầy đủ cho toàn bộ đống ủ cho đến khi có đủ độ ẩm cho tất cả vật liệu bên trong (Ẩm độ thích hợp (45- 55%)có thể được kiểm tra bằng cách bóp một nắm tay đầy vật liệu nhưng không quá mạnh làm nát vỡ vật liệu mà không có nước chảy ra ngoài).

    Bước 5. Che phủ đống ủ

Đống ủ nên được che phủ (Nếu ủ phân trong nhà ủ phân thì không cần che phủ đống ủ vì nhà có mái che) để bảo vệ nó khỏi bay hơi nước và mưa to vì sẽ làm trôi mất dinh dưỡng trong đống ủ. Dùng các túi, cỏ hoặc lá chuối để che.

Bước 6. Kiểm tra đống ủ

Sau khi đống ủ hoàn thành cần thường xuyên kiểm tra đống ủ về độ ẩm, nhiệt độ… để đảm bảo chất lượng của phân sau ủ.

Kiểm tra đống ủ hàng tuần và tưới thêm nước nếu cần.

Phương pháp ủ nguội

Phương pháp này có thể thực hiện theo 2 cách:

- Cách thứ nhất (áp dụng ở trong nhà chứa phân): Đầu tiên phân được lấy từ chuồng ra, rải thành lớp dày 0,3 -0,4 m còn chiều rộng của đống phân thì tuỳ theo khối lượng phân chuồng có nhiều hay ít, dao động từ 1,5 – 3,0 m. Bước tiếp theo tiến hành nén chặt và tưới nước vào lớp phân nhằm đẩy hết không khí ra khỏi lớp phân. Tiếp tục xếp tiếp lớp phân khác lên và lặp lại như trên đến khi đống phân đạt chiều cao khoảng 1,5 m thì dùng bùn, đất hay rơm rạ phủ kín đống phân.

Do bị nén chặt cho nên bên trong đống phân thiếu oxy, môi trưởng trở nên yếm khí, khí cacbonic trong đống phân tăng. Vi sinh vật hoạt động chậm, bởi vậy nhiệt độ trong đống phân không tăng cao và chỉ ở mức 30 – 350C. Đạm trong đống phân chủ yếu ở dạng amôn cacbonat, là dạng khó phân huỷ thành amôniăc, nên lượng đạm bị mất giảm đi nhiều. Theo phương pháp này, thời gian ủ phân phải kéo dài 5 – 6 tháng phân ủ mới dùng được. Nhưng phân có chất lượng tốt hơn ủ nóng

- Cách thứ hai (áp dụng ngay tại chuồng gia súc): Gia súc bị nhốt đi lại tự do trên lớp phân có tác dụng nén chặt lớp phân. Chất độn được giữ nguyên nếu sử dụng một lượng lớn chất độn ngay từ đầu, hay độn thêm hàng ngày. Mỗi năm lấy phân ra sử dụng 1-2 lần.

Phương pháp ủ hỗn hợp (ủ nóng trước, ủ nguội sau)

          Đầu tiên phân được lấy từ chuồng ra, xếp thành lớp dày 0,8-1,0 m không nén chặt, tạo điều kiện để phân giải trong điều kiện hảo khí, làm nhiệt độ lên cao. Sau 3 - 4 ngày nhiệt độ trong đống phân đạt 60-700C, chất hữu cơ bắt đầu phân giải mạnh thì bắt đầu nén cẩn thận lớp phân và tưới nước để đẩy hết không khí ra khỏi đống phân (Nhiệt độ trong đống phân hạ xuống chỉ còn khoảng 30-350C).

          Bước tiếp theo, xếp tiếp lớp phân khác lên trên lớp phân nêu trên và làm lại như trên cho đến khi đống phân cao chừng 2,0 m thì dùng đất, bùn hay rơm rạ phủ kín. Thỉnh thoảng tưới nước (nếu là nước phân hay nước tiểu thì càng tốt) giữ cho độ ẩm đạt 60 – 70% để phân chuồng phân giải thuận lợi. Phân chuồng đủ ẩm, đủ thoáng, sau một thời gian ủ sẽ xuất hiện những “sợi mốc trắng” là có thể sử dụng.

          Để nâng cao chất lượng của phân chuồng nên trộn thêm phân lân khi ủ. Tuy nhiên trong canh tác hữu cơ chỉ được sử dụng phân lân có nguồn gốc tự nhiên. Làm mái che nắng, mưa và ủ trên nền đất cứng để tận dụng nguốn nước phân chảy ra để tưới trở lại đống ủ, tránh mất dinh dưỡng của phân.

          Để thúc đẩy cho phân nhanh ngấu ở giai đoạn ủ nóng, người ta dùng một số phân khác làm men như phân tằm, phân gà, vịt… Phân men được cho thêm vào lớp phân khi chưa bị nén chặt. Ủ phân theo cách này có thể rút ngắn được thời gian so với cách ủ nguội, nhưng phải có thời gian dài hơn cách ủ nóng. Tùy thuộc vào khối lượng đống ủ mà thời gian ủ có thể 45- 60 ngày là có thể sử dụng.

          Trong canh tác hữu cơ thì không được sử dụng phân chuồng tươi và phân nửa hoai mục mà phải sử dụng phân chuồng đã được ủ hoai mục hoàn toàn. Phân chuồng sau khi chế biến cần phải đưa ra ruộng sử dụng ngay để tránh mất đạm. Phân chuồng chỉ dùng để bón lót.