3 tháng đầu năm, kiểm tra, xử lý nhiều vi phạm về đo lường, chất lượng, nhãn hàng hóa

Trong 3 tháng đầu năm, Cục Quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa (Cục QLCL) đã tăng cường công tác kiểm tra, xử phạt cơ sở kinh doanh vi phạm trên các tỉnh, thành phố khắp cả nước.

Thị trường hàng hóa ở các tỉnh, thành phố dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 rất sôi động, phong phú; nguồn hàng phục vụ dịp tết được chuẩn bị tương đối đầy đủ về số lượng và chủng loại; hàng hóa ngày càng cải thiện với mẫu mã, kiểu dáng, màu sắc, chất lượng đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.

Thực hiện Kế hoạch số 3826/KH-TĐC ngày 30/12/2022 của Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng về việc kiểm tra đo lường, chất lượng sản phẩm, hàng hóa (SPHH) dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023, Cục Quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa tổng hợp kết quả kiểm tra của Cục QLCL và 26/63 cơ quan quản lý nhà nước về TĐC các tỉnh, thành phố (có báo cáo gửi về Cục QLCL) như sau:

Tăng cường công tác kiểm tra chất lượng hàng hóa nhằm đảm bảo sản phẩm chất lượng đến tay người tiêu dùng. Ảnh minh họa

Tổng số cơ sở kiểm tra: 750 cơ sở. Tổng số mẫu kiểm tra về nhãn: 6.079; số mẫu không đạt về nhãn: 123/6.079 mẫu được kiểm tra chiếm 2,02%. Tổng số phương tiện đo được kiểm tra: 284; số phương tiện đo không đạt về đo lường: 06/284 chiếm 2,11%. Tổng số mẫu mua thử nghiệm: 153 mẫu; số mẫu không đạt qua thử nghiệm: 04/153 mẫu chiếm 2,61%; 35 mẫu đang chờ kết quả thử nghiệm. Xử lý vi phạm: Xử phạt hành chính 82 cơ sở/vụ với tổng số tiền là: 977.817.500 đồng.

Đợt kiểm tra về đo lường, chất lượng và nhãn hàng hóa dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 cơ bản đã đạt được mục tiêu đề ra:

Thực hiện trách nhiệm kiểm soát của cơ quan quản lý nhà nước về đo lường, chất lượng và nhãn hàng hóa đối với SPHH trong sản xuất, nhập khẩu, lưu thông trên thị trường. Tác động tích cực đến nhận thức cơ sở kinh doanh trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về đo lường, chất lượng.

Kịp thời hướng dẫn và xử lý nghiêm các cơ sở sản xuất, nhập khẩu, lưu thông có hành vi vi phạm về đo lường, chất lượng và nhãn hàng hóa.

Bảo đảm tính răn đe để các cơ sở thường xuyên, liên tục chấp hành đầy đủ quy định của pháp luật trong sản xuất, nhập khẩu, lưu thông, từ đó bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng.

Có sự phối hợp giữa các cơ quan liên quan trong công tác thanh, kiểm tra và sự thông tin kịp thời của người tiêu dùng nhằm ngăn chặn hành vi vi phạm.

Tại các địa phương, trên địa bàn thành phố phần lớn là đầu mối phân phối hàng hóa, rất ít doanh nghiệp sản xuất nên khi xảy ra các sai phạm trong kinh doanh sản phẩm hàng hóa về đo lường, chất lượng, nhãn hàng hóa, chưa được chứng nhận, công bố hợp quy (nếu có) đều xuất phát ở các đơn vị sản xuất hoặc trực tiếp nhập khẩu SPHH từ địa phương khác, dẫn đến việc xử lý vi phạm mất nhiều thời gian.

Căn cứ báo cáo của các cơ quan quản lý nhà nước về TĐC địa phương có gửi báo cáo và kết quả kiểm tra của Cục QLCL cho thấy phần lớn các cơ sở sản xuất, nhập khẩu và lưu thông trên thị trường được kiểm tra đã chấp hành tốt các quy định pháp luật, tuy nhiên vẫn còn một số ít cơ sở chưa chấp hành tốt các quy định về đo lường, chất lượng, nhãn hàng hóa và đã được xử lý theo quy định.

Theo VietQ