TIÊU CHUẨN VỀ LÀM VIỆC AN TOÀN TRONG BỐI CẢNH ĐẠI DỊCH COVID 19

Vào tháng 12 năm 2020 vừa qua, tổ chức Tiêu chuẩn hoá thế giới ISO đã phát hành tiêu chuẩn ISO/PAS 45005:2020, Quản lý sức khỏe nghề nghiệp và an toàn lao động – Hướng dẫn chung về đảm bảo an toàn lao động trong giai đoạn đại dịch COVID-19.

Đại dịch COVID-19 đã và đang làm đảo lộn thế giới của chúng ta, nhất là đối với những người lao động và các tổ chức, doanh nghiệp  liên quan khi họ phải đối mặt với những thách thức chưa từng có tiền lệ. Không nằm ngoài công cuộc chống dịch, Tổ chức ISO đã gấp rút ban hành tiêu chuẩn ISO/PAS 45005:2020, tiêu chuẩn này được xây dựng trong thời gian kỷ lục để đáp ứng tình trạng khẩn cấp, giúp các tổ chức và doanh nghiệp có thể áp dụng để đương đầu với đại dịch Covid.

Tiêu chuẩn ISO/PAS 45005 có tổng cộng 14 điều, trong đó có những điều quan trọng như Lập kế hoạch và đánh giá rủi ro, Xác định và xác nhận trường hợp nghi nhiễm, Sử dụng và trang bị các dụng cụ cần thiết, Yêu cầu về yếu tố vật lý tại nơi làm việc, Các điều kiện để làm việc trực tuyến (tại nhà), Yêu cầu công tác vệ sinh,  Đánh giá hiệu quả và Cải tiến.

Mặc dù có nhiều quốc gia, cơ quan quản lý và các tổ chức chuyên môn khác trên toàn thế giới đã công bố các hướng dẫn về làm việc an toàn trong đại dịch COVID-19, nhưng tiêu chuẩn này sẽ cung cấp một bộ nguyên tắc chung nhất có thể tương thích và bổ trợ cho những hướng dẫn đó dựa trên nguyên tắc:

-           Các biện pháp hợp lý để quản lý rủi ro từ dịch COVID-19, hoặc những biện pháp ứng phó khi cần thiết để bảo vệ sức khỏe và an toàn của người lao động và những bên có liên quan.

-           Người lao động không bắt buộc phải làm việc trừ khi những biện pháp nói trên đã được thực hiện.

Những hướng dẫn trong tiêu chuẩn này có tính khái quát cao và có thể áp dụng cho hầu hết các tổ chức bất kể bản chất của hoạt động kinh doanh/cung cấp dịch vụ, quy mô hay độ phức tạp của các tổ chức là khác nhau.  Tiêu chuẩn này không đưa ra các hướng dẫn cho việc thực hiện các quy trình kiểm soát nhiễm bệnh cụ thể tại các cơ sở y tế.

Khi áp dụng thực hành các hướng dẫn theo tiêu chuẩn này, tổ chức có thể đạt được những lợi ích sau:

a)         Kịp thời đưa ra những hành động có hiệu lực để bảo vệ người lao động và các bên liên quan khỏi những rủi ro từ COVID-19.

b)         Thể hiện được tổ chức đang giải quyết các rủi ro liên quan đến COVID-19 bằng cách tiếp cận có hệ thống.

c)         Đặt ra một khuôn khổ để có thể thích ứng một cách có hiệu quả và kịp thời trước những thay đổi của tình hình thực tế.

Các tổ chức đang áp dụng tiêu chuẩn 45001 có thể tích hợp các điều khoản của tiêu chuẩn này với hệ thống sẵn có giúp cho việc phối hợp các nguồn lực và cố gắng của tổ chức, doanh nghiệp trở nên dễ dàng hơn và là yếu tố vô cùng quan trọng để kiểm soát rủi ro từ COVID-19. Tổ chức cũng cần tiếp cận và thực hiện các yêu cầu pháp luật, hướng dẫn phòng, chống dịch do cơ quan có thẩm quyền ban hành.

Tiêu chuẩn cũng gợi ý một số vấn đề bên ngoài mà tổ chức cần xem xét:

a/ Sự bùng phát của COVID-19 trong cộng đồng địa phương (bao gồm cả trong những tổ chức khác và nơi làm việc khác).

b/ Tình trạng chung của khu vực, quốc gia, địa phương và những yêu cầu/văn bản pháp lý có liên quan.

c/ Mức độ sẵn sàng của các cơ sở y tế, xét nghiệm, điều trị và vaccine.

d/ Mức độ sẵn có của các nguồn cung ứng về an toàn và sức khỏe (như trang bị bảo hộ lao động, khẩu trang, nước rửa tay, nhiệt kế, vật liệu kháng khuẩn và hóa chất khử trùng).

e/ Cách thức người lao động di chuyển từ nơi làm việc đến nơi lưu trú.

Một số vấn đề về các yếu tố cần thiết tại nơi làm việc mà tổ chức, doanh nghiệp cần xem xét:

a)           Đánh giá tất cả các cơ sở vật chất, địa điểm làm việc hoặc một phần địa điểm đó, kể cả những địa điểm đã đóng cửa hoặc đóng cửa một phần;

b)          Thiết lập những sắp xếp và chuẩn bị cần thiết để có thể phòng ngừa những cá nhân có khả năng nhiễm bệnh vào nơi làm việc của tổ chức (ví dụ như khai báo các thông tin dịch tễ trước khi đến làm việc hoặc dán những poster thông báo những người có những biểu hiện/ triệu chứng bệnh sẽ không được vào nơi làm việc);

c)           Tiến hành kiểm tra và bảo dưỡng thiết bị,  hệ thống đảm bảo an toàn;

d)          Đánh giá và kiểm soát các rủi ro liên quan đến legionella (một loại vi khuẩn đường hô hấp) và những bệnh có liên quan đến nguồn nước, việc này nhằm giảm phát sinh thêm những rủi ro về sức khỏe, đặc biệt là đối với những tổ chức sử dụng những hệ thống, thiết bị có dùng nước/ hơi nước nhiều (bao gồm cả một số loại điều hòa không khí) và những thiết bị này đã một thời gian không sử dụng hoặc giảm tần suất sử dụng.

e)           Thiết lập lịch trình khử khuẩn, vệ sinh tăng cường (về cường độ hay tần suất), có thể tăng thời gian làm việc hoặc số lượng nhân sự - những người lao động phụ trách công việc vệ sinh-  hoặc khuyến khích những người lao động khác tự vệ sinh, khử khuẩn khu vực làm việc của mình thường xuyên hơn;

f)           Tăng cường cung cấp những phương tiện vệ sinh cá nhân, bao gồm những khu vực rửa tay khi có thể hoặc điểm sát khuẩn tay nếu không thể lắp đặt điểm rửa tay (kể cả những khu vực ngoài trời sử dụng để làm việc hoặc nghỉ ngơi), các điểm này cũng phải dễ dàng tiếp cận/có khu vực riêng đối với người khuyết tật;

g)          Phối kết hợp với những tổ chức khác tại những địa điểm dùng chung, bao gồm các nhà thầu, chủ đất, các tổ chức quản lý hoặc người thuê khác để đảm bảo những hoạt động bình thường và kế hoạch khẩn cấp được tính đến.

Tổ chức cần tiến hành những hành động tiếp theo khi có thể, cụ thể bao gồm (nhưng không giới hạn):

a)           Vệ sinh khử khuẩn kỹ nơi làm việc và các thiết bị;

b)          Khử khuẩn nước ăn uống, nước sinh hoạt và các nguồn nước khác bằng những sản phẩm kháng COVID-19 được công nhận chính thức và phải đảm bảo an toàn trước khi sử dụng;

c)           Tối đa hóa đối lưu giữa khí trời và không khí trong phòng bằng hệ thống thông gió (với hệ thống lọc không khí thích hợp dùng trong thời gian làm việc), tắt các hệ thống tuần hoàn không khí nội bộ và giữ các cửa sổ để mở trong điều kiện cho phép;

d)          Đảm bảo hệ thống nhà vệ sinh được sắp xếp sao cho an toàn và dễ sử dụng

e)           Vận hành và kiểm tra những dụng cụ chuyên dụng đã lâu chưa sử dụng;

f)           Kiểm tra hệ thống an toàn cháy nổ, bao gồm các thiết bị chạy pin như đèn tín hiệu khẩn cấp và các đèn báo động;

g)          Đặt những biển báo và ký hiệu trên sàn hoặc tường để hướng dẫn người làm việc tại tổ chức giữ khoảng cách với nhau, tổ chức phải đảm bảo những biển báo và ký hiệu này phải dễ hiểu, rõ ràng và có kích thước đủ lớn để nhìn thấy kể cả đối với những người bị tật khúc xạ;

h)          Lắp đặt các rào chắn để bắt buộc người vào tổ chức phải thực hiện giữ khoảng cách trong phạm vi có thể, việc này phải đảm bảo các nguyên tắc an toàn lao động và sức khỏe nghề nghiệp và không gây những ảnh hưởng tiêu cực đến người khuyết tật;

i)            Thiết lập những khu vực làm việc chuyên biệt trong từng bộ phận để kiểm soát số lượng người trong một khu vực bất kỳ ;

j)            Giới hạn số lượng người cùng sử dụng một thiết bị nào đó (máy móc, công cụ dụng cụ) bằng cách thành lập các nhóm hoặc cặp làm việc chung và đăng ký từng người cho từng thiết bị dùng chung cụ thể cho từng ca làm việc;

k)          Thiết lập các điểm khử khuẩn và vệ sinh để người lao động vệ sinh khử khuẩn các bề mặt tiếp xúc của cả cơ thể và các thiết bị sau quá trình làm việc;

l)            Tái sắp xếp lại các máy móc thiết bị có thể di chuyển được, bàn ghế và các trạm làm việc để đảm bảo khoảng cách an toàn;

m)        Sửa chữa, cải tiến các hệ thống cửa để có thể mở mà không cần chạm tay hoặc ít chạm (trừ các cửa liên quan đến an toàn cháy nổ, khu vực riêng tư hoặc an ninh cao);

n)          Ban hành những quy trình kiểm soát ra vào khu vực làm việc an toàn;

o)          Thiết lập hệ thống một chiều tại các hành lang, cầu thang và các khu vực công cộng khác, lắp đặt các biển cảnh báo, hướng dẫn trên sàn hoặc tường, thực hiện các biện pháp khác cần thiết khi những hệ thống một chiều trên không thể áp dụng nhằm giảm thiểu tối đa rủi ro;

p)          Thiết lập những biện pháp an toàn cho việc sử dụng thang máy/ thang nâng, bao gồm việc giới hạn số người cùng sử dụng, dán poster hướng dẫn để người bên trong và bên ngoài đều có thể thấy;

q)          Bố trí những khu vực bên ngoài tổ chức để người lao động có thể thực hiện các công việc thường nhật, họp bàn và nghỉ ngơi khi có thể.

Một số vấn đề về tổ chức làm việc tại nhà mà tổ chức, doanh nghiệp cần xem xét:

Tổ chức nên cho phép những người lao động làm việc tại nhà khi có thể, bởi đây là một trong những biện pháp hữu hiệu nhất để kiểm soát và quản lý rủi ro liên quan đến đại dịch. Tổ chức cũng chịu trách nhiệm về an toàn lao động và sức khỏe nghề nghiệp của người lao động giống như khi làm việc tại địa điểm của tổ chức.

Để có thể xác định xem những ai có thể/nên làm việc tại nhà, tổ chức có thể hỏi người lao động những điều sau:

a)       Liệu anh/chị có thể thực hiện công việc của mình một cách có hiệu lực khi làm việc tại nhà không?

b)       Điều kiện ở nhà của anh/chị có phù hợp để làm việc không?

c)       Anh/chị có muốn quay trở lại điểm làm việc của đơn vị không?

d)       Anh/chị có chắc mình có thể di chuyển an toàn giữa các điểm làm việc và nơi cư trú mà không chịu rủi ro đáng kể từ việc phơi nhiễm COVID-19 không?

Tổ chức cần có sự tham vấn với người lao động và thực hiện đánh giá có tính hệ thống những rủi ro liên quan đến làm việc tại nhà cũng như những hành động cần thực hiện để kiểm soát rủi ro đó hết mức có thể và phải tính đến những yếu tố sau:

a)       Tình trạng gia đình của người lao động (chẳng hạn như: đang có con nhỏ hoặc nghĩa vụ chăm sóc khác, tiền sử bạo lực gia đình, những thành viên trong gia đình có nguy cơ cao nhiễm COVID-19 hoặc dễ tổn thương khi bị nhiễm bệnh do có bệnh nền…);

b)       Tình trạng của nơi cư trú (chẳng hạn như: diện tích sử dụng, số người ở cùng, mức độ ồn, điều kiện ánh sáng phù hợp, những vấn đề khác liên quan);

c)       Người lao động có thể dễ dàng truy cập đến hệ thống thông tin và những hệ thống khác cần thiết (email; dữ liệu dùng chung, cơ sở dữ liệu, hệ thống bảo mật tăng cường hoặc tương tự và những hướng dẫn đảm bảo an toàn thông tin cho việc làm việc tại nhà);

d)       Nhu cầu hỗ trợ liên tục về việc sử dụng các thiết bị công nghệ thông tin hay phần mềm (ví dụ như những thiết bị hỗ trợ hội thảo online);

e)       Những nhu cầu có thể có của người lao động khi họ cần mang một số công cụ dụng cụ/ thiết bị làm việc về nhà tạm thời hoặc phải cung cấp bổ sung một số trang bị khác (máy tính, màn hình, bàn phím, chuột, ghế làm việc, đèn, máy in, tai nghe…);

f)        Nhu cầu về những hướng dẫn cách thức chuẩn bị và bố trí khu vực làm việc tại nhà phù hợp  (hướng dẫn những tư thế chuẩn và khuyến khích thường xuyên vận động);

g)       Những rủi ro về tâm lý;

h)       Những tác động đến vấn đề bảo hiểm (cá nhân hay gia đình) và nghĩa vụ thuế.

Tổ chức cần đưa ra những hướng dẫn cho người lao động cần phải làm gì nếu bản thân hoặc người ở chung có tiếp xúc với nguồn bệnh hoặc có kết quả dương tính kèm theo đó là những yêu cầu phải tuân thủ về tự cách ly hoặc cách ly tập trung.

Trên đây là một vài yêu cầu kỹ thuật mà tiêu chuẩn PD ISO/PAS 45005:2020, Quản lý sức khoẻ nghề nghiệp và an toàn lao động – Hướng dẫn chung về đảm bảo an toàn lao động trong đại dịch COVID-19, đưa ra. Các tổ chức, doanh nghiệp có thể sử dụng tiêu chuẩn làm khuôn khổ để áp dụng vào thực tế đơn vị mình.

 

                                                                                    Phòng Chứng nhận Hệ thống – QUACERT