CHUỖI HỘI THẢO CHIA SẺ KINH NGHIỆM ÁP DỤNG HỆ THỐNG QUẢN LÝ AN TOÀN GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ THEO ISO 39001

Trong khuôn khổ nhiệm vụ: “Thúc đẩy áp dụng Hệ thống quản lý An toàn giao thông đường bộ theo tiêu chuẩn TCVN ISO 39001:2014”, thuộc Chương trình quốc gia : “ Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm hàng hoá của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020” do Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ giao theo quyết định số 703/QĐ-BKHCN ngày 2/4/2018, Trung tâm Chứng nhận Phù hợp (QUACERT) – đơn vị thực hiện nhiệm vụ, tổ chức chuỗi hội thảo Chia sẻ kinh nghiệm áp dụng hệ thống quản lý an toàn giao thông đường bộ theo ISO 39001 tại  ba miền Bắc Trung Nam.

Hội thảo đã được tổ chức tại thành phố Hồ Chí Minh ngày 12/3/2021, tại thành phố Đà Nẵng ngày 16/3/2021 và sẽ được tổ chức tại Hà Nội ngày mai, 23/3/2021. Tham dự hội thảo có các đại biểu đến từ các doanh nghiệp vận tải, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực logistic, lĩnh vực lữ hành, du lịch, công ty xe buýt, taxi; các đại biểu là các giảng viên đến từ các trường Đại học Giao thông Vận tải, Đại học Công nghệ Giao thông vận tải; các đại biểu hoạt động trong lĩnh vực an toàn giao thông tại các Ban An toàn Giao thông các tỉnh, các Sở Giao thông vận tải các tỉnh; các đại biểu là các chuyên gia năng suất chất lượng đến từ các tổ chức tư vấn, tổ chức chứng nhận, từ các Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng địa phương…



Chụp ảnh Kỷ niệm tại Hội thảo

Tham dự hội thảo, các đại biểu đã được nghe chia sẻ kinh nghiệm khi áp dụng Hệ thống quản lý an toàn giao thông đường bộ phù hợp tiêu chuẩn ISO 39001 từ các đơn vị thí điểm, thuận lợi và khó khăn trong quá trình đào tạo, hướng dẫn áp dụng của các đơn vị tư vấn, cũng như chia sẻ về các giải pháp kỹ thuật nhằm giảm thiểu tai nạn giao thông đường bộ của các chuyên gia từ trường đại học Giao thông Vận tải.

          Ý thức tham gia giao thông đã tăng lên đáng kể.

Đó là nhận định của ông Trần Dũng Sỹ, Giám đốc Công ty TNHH Tầm nhìn chất lượng ProQ, khi chia sẻ về các kết quả tích cực của việc áp dụng hệ thống quản lý đó đã nêu nhận định rằng "ý thức tham gia giao thông ngày càng được cải thiện". Cả hội trường bất ngờ với nhận định này, đến nỗi chủ tọa phải vội vàng đánh dấu hỏi vào tập tài liệu hội thảo để yêu cầu làm rõ thêm. Như đoán trước phản ứng của cử tọa, ông Sỹ bổ sung: "Trong khi ý thức tham gia giao thông của rất nhiều người dân vẫn còn kém thì ý thức và thói quen tham gia giao thông của các lái xe chuyên nghiệp đã được tăng lên đáng kể." Đó là kết quả của rất nhiều biện pháp khác nhau như việc hoàn thiện hệ thống pháp luật, tổ chức bộ máy, hạ tầng giao thông, công tác tuyên truyền, chế tài.... Trong đó có một phần đóng góp của việc áp dụng TCVN ISO 39001:2014 vào các doanh nghiệp vận tải.

Nhận định đó được củng cố bởi các báo cáo của các doanh nghiệp vận tải, logistics tham dự hội thảo và trở thành một trong những kết luận quan trọng của hội thảo. Ý thức đó có được không chỉ nhờ được đào tạo, huấn luyện, mà còn là cả một quá trình bền bỉ đôn đốc, nhắc nhở, áp dụng kỷ luật công minh để từng bước hình thành thói quen tốt. Ý thức đó thể hiện ở nhiều khía cạnh khác nhau như sự chủ động chăm sóc xe, ý thức về trách nhiệm đối với bản thân và những người đi đường, ý thức bảo vệ uy tín của công ty, tài sản của khách hàng... Nhưng việc hình thành những ý thức đó lại xuất phát từ những việc rất đơn giản.

“Yêu xe như con, quý xăng như máu” không chỉ là khẩu hiệu, mà là thông điệp sống còn của doanh nghiệp vận tải tư nhân

"Trước đây chúng ta có câu khẩu hiệu "yêu xe như con, quý xăng như máu" thì ở công ty chúng tôi mặc dù không ai nói ra câu ấy, nhưng thực tế đúng là như vậy. Bây giờ, cứ sáng chủ nhật là các lái xe có mặt ở bãi xe tự kiểm tra, vệ sinh, chăm sóc xe mà không cần ai phải nhắc nhở." Đó là phát biểu của ông Phạm Mạnh Hùng, Giám đốc Công ty TNHH MTV Vận tải Con đường vàng (GP). Phần vì Công ty ông đã gắn trách nhiệm của lái xe với chất lượng, sự an toàn và hiệu quả sử dụng xe cho các lái xe thông qua hình thức cho phép lái xe cổ phần và sử hữu tới 25% giá trị xe mình lái. Phần vì tăng tiền phạt nếu lái xe bị “nằm đường” hoặc chậm tiến độ giao hàng cho khách. Với xăng dầu, Công ty mua phần mềm định vị mức dầu và ký hợp đồng với chỉ một cây xăng có uy tín đảm bảo kiểm soát chặt chẽ việc tiêu thụ nhiên liệu của xe.

Ông cũng chia sẻ tư duy về bài toán đầu tư của doanh nghiệp, sau nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực vận tải hàng hóa đường bộ ông vô cùng thấm thía hậu quả của việc đầu tư xe giá rẻ. Sau một thời gian ngắn hoạt động, các xe bắt đầu hư hỏng, phải thường xuyên sửa chữa. Chưa kể, khi các xe phải "nằm đường", ông phải điều xe khác tới chuyển tải hàng hóa để kịp vận chuyển để khách kịp xuất hàng theo hợp đồng. Tổng hợp các loại chi phí thì không hề ít hơn việc mua một chiếc xe tốt, chưa kể phải thường xuyên lo lắng về các sự cố dọc đường và các thiệt hại về uy tín đối với bạn hàng. Vì thế, sau này công ty đầu tư 100% xe tốt, của các nước G7, vì đối với GP, bài toán an toàn phải được giải quyết một cách căn cơ trong bài toán đầu tư để vừa kinh doanh có hiệu quả, vừa đảm bảo an toàn, phát triển bền vững.

 Mô hình Lái xe – phòng vệ

Ông Đoàn Minh Triết, Trưởng phòng an toàn Công ty CJ Gemadept Logistics lại chia sẻ kinh nghiệm về việc hình thành đội ngũ lái xe-phòng vệ. Các lái xe của công ty được huấn luyện các biện pháp ứng phó với những tình huống phát sinh dọc đường: từ việc xử lý các sự cố kỹ thuật của xe, sơ cứu ban đầu, đảm bảo an toàn cho người, phương tiện, hàng hóa... Không chỉ huấn luyện ban đầu, Công ty còn thường xuyên phổ biến thông tin cập nhật, chia sẻ kinh nghiệm xử lý tình huống qua nhiều hình thức như họp tập trung, họp hàng tuần, tháng của các tổ, đội. Đặc biệt thông tin an toàn được chia sẻ qua nhóm Zalo với "bài học 1 điểm" (mỗi tuần chia sẻ 1 vấn đề về an toàn)... Các cách thức "học nhau có kiểm soát" này đã giúp truyền tải kiến thức, kinh nghiệm cho đội ngũ lái xe một cách rất tự nhiên, mang lại hiệu quả cao. Do đó, trong suốt cả năm 2020 đã không có một tai nạn nào xảy ra.

Cùng ISO 39001 vượt qua đại dịch Covid-19

Với Công ty Cổ phần Logicstic Cảng Đà Nẵng, việc nhận diện rủi ro và đề xuất các biện pháp xử lý trong quá trình triển khai ISO 39001 đã giúp Công ty thích ứng nhanh nhậy với việc phong toả đường biên giới tại Lào. Có 04 lái xe của Công ty đã “đóng đô” tại cung đường phía Lào từ khi đại dịch bùng phát. Các xe của Công ty, sau khi nhận hàng từ Cảng Đà Nẵng sẽ thực hiện cung  đường vận chuyển đến của khẩu Lao Bảo. Sau khi làm thủ tục xuất nhập cảnh và kiểm dịch, phun khử trùng toàn bộ xe tại phía Việt Nam,  xe hàng sẽ được bàn giao lại cho các lái xe đã chờ sẵn tại cửa khẩu Lao Bảo để tiếp tục vận chuyển sang Lào và đến nhà máy hoặc kho hàng của khách hàng mà vẫn đảm bảo lái xe không bị cách ly theo quy định của nước sở taị, hoạt động vận tải vì thế không bị gián đoạn. Cung đường ngược lại sẽ thực hiện như vậy để vận chuyển hàng hoá của khách hàng đến Cảng Đà Nẵng, từ đó xuất qua đường biển về thành phố Hồ Chí Minh hoặc Hải Phòng, thậm chí ra nước ngoài.

Kết quả của các hoạt động này, Công ty đã thực hiện các biện pháp hữu hiệu nhằm đáp ứng yêu cầu của tiêu chuẩn TCVN ISO 39001:2014 về đảm bảo an toàn giao thông đường bộ, nhưng vẫn đảm bảo kế hoạch doanh thu đề ra từ đầu năm 2020. Việc sáng tạo để vượt qua đại dịch Covid 19 trên nền tảng áp dụng hệ thống quản lý tiên tiến, là quyết định sáng suốt và sống còn của Công ty. Mặc dù Đà Nẵng là vùng dịch và bị cách ly, phong toả trong đợt tháng 6/2020, mặc dù tuyến đường chủ yếu là qua biên giới Lào trong giai đoạn đóng của đường biên giới để phòng dịch, nhưng Công ty vẫn đạt kết quả doanh thu đạt khoảng 51 tỷ, hoàn thành mục tiêu từ đầu năm, và kết quả cộ số vụ tai nạn giảm so với 2019, Công ty đã áp dụng thành công Hệ thống quản lý an toàn giao thông đường bộ theo TCVN ISO 39001:2014 và được Trung tâm Chứng nhận Phù hợp QUACERT đánh giá chứng nhận trong tháng 12/2020.

Đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của khách hàng nước ngoài.

Với Công ty Cổ phần Bình Vinh, hoạt động vận chuyển hàng hoá cho các công ty đa quốc gia như CocaCola VN, Công ty Netsle VN, Công ty CP Bia và NGK VN … đã bắt buộc Công ty luôn luôn nâng cao hình ảnh, uy tín của mình để vượt qua các đợt đấu thầu. Việc đạt được chứng chỉ ISO 39001 như là một cách thức khẳng định vị thế của Công ty trong việc song hành việc đảm bảo chất lượng hoạt động vận tải và thể hiện trách nhiệm với xã hội khi trên 300 xe tải, xe con-te-nơ của Công ty hoạt động hết công suất mà vẫn kéo giảm tai nạn so với cùng kỳ năm trước.

Chăm chút cho cơ sở hạ tầng

Trong một không gian hẹp như Cảng Hoàng Diệu, lại có nhiều thiết bị vận chuyển, bốc xếp như xe nâng hàng tải trọng lớn, cần trục bánh xích, cẩu…đan xen với các hoạt động đóng gói, bốc xếp, giao nhận thủ công với hàng ngàn con người làm việc cùng thời điểm, thì các lái xe phải có nhiều kinh nghiệm lắm mới hạn chế được va chạm, sự cố. Bên cạnh đó, trong quá trình xác định các yếu tố ảnh hưởng đến kết quả an toàn giao thông, Công ty đã nhận diện chi tiết và họp bàn để đề xuất các phương pháp thực hiện nhằm khắc phục, cải thiện và giám sát các yếu tố này. Một trong những kết quả điển hình là lắp thêm gương cầu các góc khuất, tăng cường biển báo điểm giao cắt, kẻ vạch sơn đường để hướng dẫn tốc độ…cũng giúp cho lái xe Công ty CP Cảng Hoàng Diệu có thêm trợ thủ trong việc giảm va chạm gây hỏng hóc hàng hoá trong Cảng.

Không chỉ giảm tai nạn hay va chạm trên đường, chúng tôi còn phải giảm cả số lần phanh gấp để thoả mãn khách hàng

Hoạt động vận chuyển hành khách theo hợp đồng của Công ty TNHH Hoàng Châu có đặc thù là phục vụ chủ yếu khách du lịch nước ngoài. Vì vậy, bên cạnh việc trang bị xe thật hiện đại, tiện nghi để có thể phục vụ khách hàng tốt hơn, việc lái xe có “tay lái lụa” là một yêu cầu không thể thiếu. Các khách hàng đến từ các nước phát triển không ngại ngần có ý kiến phản hồi cũng như nhận xét về chất lượng dịch vụ của Công ty cho bạn bè, người thân họ nếu lái xe phanh gấp, lái không êm…chứ chưa kể lái xe quá tốc độ hay gây tai nạn. Việc giám sát hiện tượng “phanh gấp”, “lái kém” sẽ được thực hiện trên phần mềm để có cơ chế kiểm soát chất lượng lái xe.

Đó là một số trong nhiều kinh nghiệm hay, thú vị được các diễn giả và đại biểu chia sẻ tại các hội thảo. Hội thảo được Trung tâm Chứng nhận Phù hợp (QUACERT) thuộc Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng tổ chức nhằm chia sẻ các kết quả đã đạt được của Nhiệm vụ "Thúc đẩy áp dụng hệ thống quản lý an toàn giao thông đường bộ theo tiêu chuẩn TCVN ISO 39001: 2014 vào các tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam", đồng thời cũng là nơi để các đơn vị đã áp dụng thí điểm chia sẻ các bài học thành công của mình.

Hội thảo đã nghe báo cáo của các doanh nghiệp đã xây dựng và áp dụng thành công hệ thống quản lý an toàn giao thông đường bộ . Tại khu vực phía Nam là Công ty TNHH MTV Tiếp vận Gemadept, Công ty TNHH MTV Vận tải Con đường vàng (GP), Công ty TNHH Giải pháp vận chuyển Nam Long. Tại khu vực miền Trung là Công ty CP Bình Vinh, Công ty Logistic Cảng Đà Nẵng. Tại phía Bắc là Công ty CP Cảng Hoàng Diệu, Công ty TNHH Hoàng Châu. Ngoài ra còn có báo cáo giới thiệu tiêu chuẩn và chia sẻ kết quả của Nhiệm vụ của Chủ trì Nhiệm vụ và tham luận của đơn vị tư vấn (ProQ, QUATEST 2), tham luận của Trường Đại học Giao thông Vận tải. Báo cáo của các doanh nghiệp tại Hội thảo đều khẳng định tiêu chuẩn TCN ISO 39001:2014 đã đáp ứng nhu cầu có một hệ thống quản lý giúp chủ động tiếp cận yêu cầu pháp luật, phân tích các rủi ro và thực hiện các biện pháp kiểm soát nhằm đảm bảo an toàn giao thông đường bộ cho đội ngũ lái xe, hàng hóa, phương tiện không chỉ của ban thân doanh nghiệp mà còn của các chủ thể tham gia giao thông khác. Hệ thống quản lý như vậy còn bao gồm các công cụ giúp doanh nghiệp theo dõi, giám sát, đo lường kết quả hoạt động liên quan đến an toàn giao thông của mình nên đa thúc đẩy quá trình quản lý chuyên nghiệp, phù hợp với thông lệ quốc tế.

Đồng hành cùng các doanh nghiệp trong quá trình đào tạo, xây dựng, hướng dẫn áp dụng tiêu chuẩn, Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng QUATEST 2 chia sẻ những thuận lợi cơ bản và khó khăn mà doanh nghiệp thường gặp phải. Bà Hoàng Thanh Tuyền, chuyên gia tư vấn cho biết hệ thống pháp luật của Việt Nam về lĩnh vực đảm bảo an toàn giao thông đã được xây dựng đồng bộ và tương đối hoàn thiện cùng với sự quan tâm đầu tư dưới nhiều hình thức để phát triển hạ tầng giao thông là những thuận lợi lớn cho việc thực hiện các mục tiêu về đảm bảo an toàn giao thông bền vững theo môn muốn của Chính phủ. Đồng quan điểm với nhận định đó, trong phần báo cáo của mình, bà Trần Thị Ngọc Anh, Chủ trì Nhiệm vụ, cho biết Việt Nam nằm trong số 15% quốc gia trên thế giới đã xây dựng đầy đủ văn bản pháp luật đáp ứng 5 nhóm rủi ro lớn nhất đối với an toàn giao thông gồm giới hạn tốc độ, thắt dây an toàn (đối với xe ô tô), đội mũ bảo hiểm (đối với xe gắn máy), cấm sử dụng điện thoại di động khi lái xe và cấm sử dụng cồn và chất gây nghiện khi lái xe. Cũng trong hội thảo, PGS.TS. GVCC Nguyễn Tuấn Anh – Trưởng khoa Môi trường và An toàn, Trường Đại học Giao thông vận tải HN chia sẻ các biện pháp kỹ thuật hiện đại giúp việc lái xe an toàn hơn, giảm thiểu tai nạn giao thông trên đường bộ.

Trước đó, trong phát biểu dẫn đề Hội thảo, ông Trần Quốc Dũng, Phó giám đốc Trung tâm Chứng nhận Phù hợp, cho biết tiêu chuẩn ISO 39001:2012 được Tổ chức Tiêu chuẩn hóa quốc tế (ISO) ban hành đúng vào năm 2012, khi Chính phủ Việt Nam thông qua Chiến lược quốc gia “Bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030”. Nhận thấy tiêu chuẩn này có cách tiếp cận khác với những biện pháp đã thực hiện ở nước ta từ trước đến nay, vốn là các biện pháp "kéo" từ phía cơ quan nhà nước (như xây dựng luật, hướng dẫn, đảm bảo cơ sở hạ tầng, tuyên truyền, kiểm tra, giám sát, xử phạt...). ISO 39001:2012 là tiêu chuẩn cho từng tổ chức, là các tế bào chính của xã hội nên việc áp dụng tiêu chuẩn là biện pháp "đẩy" từ bên trong nội bộ tổ chức hướng tới an toàn giao thông. Do đó, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đã chỉ đạo chuyển đổi tiêu chuẩn sang tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 39001:2014. Không chỉ vậy, thông qua Chương trình quốc gia Nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020 (Chương trình 712), với vai trò là cơ quan thường trực của Chương trình, Tổng cục đã đặt hàng một nhiệm vụ quốc gia nhằm thúc đẩy việc áp dụng tiêu chuẩn này.


Ông Trần Quốc Dũng - Phó Giám đốc Trung tâm Chứng nhận Phù hợp (QUACERT)

Các kinh nghiệm nêu trên của các doanh nghiệp thoạt nghe thì thấy rất đơn giản, nhiều nơi có thể áp dụng và có vẻ như không liên quan gì tới một tiêu chuẩn quốc tế! Tuy nhiên, khi phân tích kỹ các điều khoản của tiêu chuẩn thì đó chính là các yêu cầu đã được đúc kết. Điểm khác biệt là chúng được tổng kết, khái quát hóa và hệ thống hóa thành một bộ công cụ mang tính tổng hợp nhằm giúp doanh nghiệp thực hiện một cách nhất quán.


Ông Phạm Mạnh Hùng, Giám đốc Công ty TNHH MTV Con đường vàng

Các đại biểu đánh giá hội thảo có nhiều thông tin rất hữu ích giúp các tổ chức, doanh nghiệp hiểu được bản chất cũng như lợi ích của tiêu chuẩn. Đối với đơn vị chủ trì, Hội thảo đã đáp ứng kỳ vọng là khẳng định ý nghĩa thực tiễn của tiêu chuẩn thông qua những bài học kinh nghiệm rất thiết thực. Nhiều đại biểu mong muốn các chương trình như vậy được tiếp tục triển khai và mở rộng phạm vi tới một số loại hình khác như đơn vị lữ hành, vận chuyển hành khách theo hợp đồng (như chở học sinh, công nhân)...


Toàn cảnh Hội thảo tại Đà Nẵng ngày 16/3/2021


Tiêu chuẩn TCVN ISO 39001:2014 có tên gọi là Hệ thống quản lý an toàn giao thông đường bộ hoàn toàn tương đương với tiêu chuẩn quốc tế ISO 39001:2012. Tiêu chuẩn này áp dụng cho mọi loại hình tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài lĩnh vực giao thông nhằm giúp xác định các phương pháp nhất quán, mang tính tổng thể để xác định, đánh giá các rủi ro và xử lý chúng một cách thích hợp nhằm đạt được các mục tiêu giảm thiểu, tiến tới loại bỏ tai nạn và các sự cố giao thông đường bộ khác phù hợp với bối cảnh của từng tổ chức.


Nhiệm vụ Thúc đẩy áp dụng hệ thống quản lý an toàn giao thông đường bộ theo tiêu chuẩn TCVN ISO 39001:2014 có mã số 03.11/2018-DA2 thuộc Chương trình quốc gia Nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020 (Chương trình 712) do Trung tâm Chứng nhận Phù hợp, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng thực hiện từ năm 2018 với mục tiêu phổ biến yêu cầu của tiêu chuẩn, áp dụng thí điểm cho 10 doanh nghiệp để tổng kết, rút kinh nghiệm cho các doanh nghiệp khác. Chương trình 712 được tiếp nối theo Quyết định số 1322/QĐ-TTg ngày 31/8/2020 của Thủ tướng Chính phủ (Chương trình 1322) và kéo dài đến năm 2030.

Tin bài: QUACERT