Nâng cao chuỗi giá trị nhờ phát triển nông nghiệp hữu cơ thông minh
 Việt Nam cần đẩy mạnh phát triển nông nghiệp theo hướng hữu cơ thông minh và ứng dụng các phương thức khác nhau để có thể được truy xuất nguồn gốc hàng hóa, như vậy mới nâng cao được chuỗi giá trị thực phẩm nông nghiệp của Việt Nam. (Tin bài: Vietq.vn)


 TS. Shaihk Tanveer Hossain (quản lý dự án, Ban Nông nghiệp – APO).


Đó là một trong những nhận định của TS. Shaihk Tanveer Hossain (quản lý dự án, Ban Nông nghiệp – APO) khi chia sẻ với PV Chất lượng Việt Nam online bên lề hội thảo “Chia sẻ ứng dụng sản xuất nông nghiệp hữu cơ thông minh và hệ thống truy xuất nguồn gốc đối với các sản phẩm nông nghiệp” vừa được Trung tâm Chứng nhận Phù hợp (QUACERT) chủ trì, phối hợp với Trung tâm Mã số Mã vạch quốc gia (NBC) và Tổ chức Năng suất Châu Á – APO tổ chức.

Thưa ông, APO quan tâm như thế nào về việc áp dụng nông nghiệp hữu cơ thông minh trong các trang trại hữu cơ và trong hệ thống truy xuất nguồn gốc?

APO là tổ chức liên chính phủ gồm 20 nền kinh tế thành viên tập trung vào việc thúc đẩy năng suất trong đó bao gồm lĩnh vực nông nghiệp và các lĩnh vực khác. Đối với lĩnh vực nông nghiệp hữu cơ, đôi khi rất khó để tăng trưởng cao vì đây là ngành đòi hỏi sử dụng nhiều nhân công, chúng tôi muốn thúc đẩy sử dụng các công nghệ mới, công nghệ tiên tiến, công nghệ số để giúp tăng trưởng năng suất chung và giúp Việt Nam cũng như các nền kinh tế thành viên khác phát triển nông nghiệp hữu cơ như một ngành chính trong lĩnh vực nông nghiệp.

Ông có thể chia sẻ kinh nghiệm về một số các mô hình áp dụng thành công nông nghiệp hữu cơ thông minh tại một số nước trong khu vực?

Vâng, tại một số nền kinh tế trong khu vực Châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, hay thậm chí là Ấn Độ, các nền kinh tế này có công nghệ tốt, các công nghệ tiến tiến, công nghệ số và đặc biệt là các công nghệ dùng cho mục đích thương mại. Trong một số trường hợp, có một số các doanh nghiệp tư nhân, các doanh nghiệp nhỏ hoặc hợp tác xã nhỏ sử dụng những công nghệ hết sức tiên tiến để nâng cao năng suất. Tại hội thảo lần này chúng tôi cũng sẽ chia sẻ cho các bạn các công nghệ đó là những công nghệ gì và chúng được áp dụng như thế nào.

Ông nghĩ thế nào về tiềm năng của Việt Nam trong việc phát triển mô hình nông nghiệp hữu cơ thông minh và hệ thống truy xuất nguồn gốc?

Tôi cho rằng Việt Nam có tiềm năng rất lớn trong việc áp dụng các công nghệ thông minh, vì các sản phẩm hữu cơ của các bạn đặc biệt là gạo và ngũ cốc đã được xuất khẩu sang các nước Châu Âu, Châu Mỹ và các nước khác. Do vậy tôi tin tưởng rằng với việc áp dụng các công nghệ thông minh, năng suất tổng thể của ngành nông nghiệp hữu cơ tại Việt Nam sẽ được nâng cao đáng kể và do đó sẽ thu hút nhiều doanh nghiệp tham gia vào hoạt động sản xuất.

Các bạn có nhiều sản phẩm tốt và đã được xuất khẩu đi nhiều thị trường trên thế giới như: Gạo, cà phê, điều và các sản phẩm thủy sản. Nhưng trong các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà Việt Nam là thành viên thì những tiêu chuẩn khắt khe về hữu cơ và đặc biệt là truy xuất nguồn gốc, chỉ dẫn địa lý được coi là hàng rào kỹ thuật kiểu mới. Và nếu không ứng dụng các công nghệ mới theo chuẩn thế giới thì các bạn sẽ tự giảm sức cạnh tranh

APO và các nền kinh tế thành viên đã mang đến diễn đàn lần này những thông tin gì?

Chúng tôi sẽ có những bài chia sẻ chuyên sâu đến từ các chuyên gia từ Canada, Thụy Sỹ, Ấn độ…về lĩnh vực nông nghiệp và truy xuất nguồn gốc như: Khái niệm cơ bản và xu hướng của việc ứng dụng công nghệ nông nghiệp hữu cơ thông minh; Ứng dụng công nghệ nông nghiệp thông minh vào trang trại sản xuất hữu cơ; Hệ thống truy xuất nguồn gốc thông minh trên nền tảng web ứng dụng trong xuất nhập khẩu các sản phẩm hữu cơ được phát triển các tổ chức USDA, EU và cơ quản lý của Ấn Độ…

Bên cạnh đó, các đại biểu đến từ 16 nền kinh tế thành viên cũng sẽ chia sẻ về công nghệ sản xuất tiên tiến đã được áp dụng thành công trong sản xuất nông nghiệp hữu cơ thông minh.

Xin cảm ơn ông!


Ứng dụng công nghệ nông nghiệp thông minh vào trang trại sản xuất hữu cơ đang được áp dụng tại nhiều trang trại tại Việt Nam. 

Tổ chức năng suất Châu Á (Asian Productivity Organization - APO) là tổ chức phi lợi nhuận quốc tế duy nhất tại khu vực châu Á Thái Bình Dương trong lĩnh vực nâng cao năng suất, được thành lập vào ngày 11/05/1961 với vai trò là một tổ chức liên chính phủ, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội bền vững của khu vực châu Á Thái Bình Dương thông qua nâng cao năng suất.

Ba định hướng chiến lược chính của APO là: Tăng cường năng lực của các Tổ chức năng suất quốc gia thành viên APO (National Productivity Organization - NPOs) và thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp vừa và nhỏ và cộng đồng; Xúc tác cho sự dẫn đầu trong đổi mới tăng trưởng năng suất; Thúc đẩy năng xuất xanh.

Các hoạt động chính của APO là xây dựng năng lực của các tổ chức và phát triển nguồn nhân lực. Tầm nhìn của APO đến năm 2020, trở thành tổ chức quốc tế hàng đầu trong lĩnh vực nâng cao năng suất, làm cho nền kinh tế APO trở nên hiệu quả và cạnh tranh hơn. APO hiện có 20 nền kinh tế thành viên là: Ấn Độ, Campuchia, Bangladesh, Đài Loan, Hàn Quốc, Hong Kong, Indonesia, Iran, Lào, Malaysia, Mông Cổ, Nepal, Nhật Bản, Pakistan, Fiji, Philippines, Singapore, Thái Lan, Sri Lanka và Việt Nam. Việt Nam chính thức trở thành thành viên APO từ ngày 1/1/1996 dưới sự cho phép của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam. Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng được ủy quyền là đại diện thường trực của Việt Nam tại APO với đầu mối tổ chức thực hiện các chương trình, dự án của APO, dự án song phương với các Tổ chức năng suất quốc gia thành viên APO.