Đánh giá vai trò của hoạt động TCĐLCL trong những năm qua, Thứ trưởng Trần Văn Tùng nhấn mạnh về những đóng góp tích cực của hoạt động này đối với sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Đến nay đã xây dựng và phổ biến rộng rãi hệ thống quốc gia (TCVN) và Hệ thống Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN) gồm khoảng 11.500 TCVN và 780 QCVN; Duy trì, bảo quản và khai thác tốt 27 chuẩn đo lường được công nhận; thực hiện dẫn xuất chuẩn nhằm đảm bảo tính liên kết chuẩn;
Hoạt động đánh giá sự phù hợp, bao gồm công nhận, chứng nhận, giám định, thử nghiệm ngày càng đi vào nề nếp; hoạt động thanh tra, kiểm tra được đẩy mạnh; Phong trào năng suất, chất lượng được triển khai trong phạm vi cả nước, đã tác động tích cực đến nhận thức của toàn xã hội đối với vấn đề năng suất và chất lượng gắn với TCĐLCL.
Thứ trưởng cũng cho biết, Việt Nam đã và đang có những nỗ lực vượt bậc để nhanh chóng hội nhập về kinh tế với các nước trong khu vực và thế giới. Để phù hợp với xu thế này Đảng, Chính phủ, Quốc hội đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành tác động tới tất cả các lĩnh vực, ngành nghề, trong đó có lĩnh vực TCĐLCL. Với khối lượng văn bản được giao cho hệ thống TCĐLCL rất lớn, Thứ trưởng kỳ vọng sự toàn tâm, toàn lực của cả hệ thống TCĐLCL trên cả nước cùng bắt tay thực hiện, triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ này.
Tổng cục trưởng Trần Văn Vinh cho rằng, cơ sở về TCĐLCL về cơ bản đã được xây dựng và đang được tiếp tục hoàn thiện phù hợp với yêu cầu quản lý và phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn hội nhập kinh tế thế giới của nước ta. Cơ sở pháp luật về TCĐLCL chính là 03 Luật (Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật năm 2006, Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa năm 2007, Luật Đo lường năm 2011) và các Nghị định hướng dẫn Luật, các Thông tư hướng dẫn Nghị định.
“Quan điểm chỉ đạo khi xây dựng các Luật và các văn bản hướng dẫn trên đã thể hiện sự đổi mới về tổ chức, nội dung, phương thức hoạt động; đảm bảo sự quản lý thống nhất của Nhà nước, đồng thời tăng cường xã hội hóa, tính tự chủ của các tổ chức, cá nhân; đảm bảo yêu cầu hội nhập, nhằm tiếp cận và phù hợp hơn với tập quán và thông lệ . Theo đó, các Chi cục TCĐLCL ngày càng được giao nhiều trách nhiệm hơn trong việc quản lý nhà nước và quản lý các dịch vụ công về lĩnh vực TCĐLCL trên địa bàn tỉnh, thành phố”, Tổng cục trưởng Trần Văn Vinh cho biết.
Với bốn chuyên đề: Quản lý nhà nước về đo lường; Quản lý chất lượng, đánh giá sự phù hợp và thanh tra kiểm tra; Mã số mã vạch, chứng nhận hệ thống truy xuất nguồn gốc và chứng nhận nông nghiệp hữu cơ; nhãn hàng hóa và sự phối hợp của các Trung tâm kỹ thuật TCĐLCL vùng và địa phương, tại hội thảo, đại diện các đơn vị: Vụ Đánh giá Hợp chuẩn hợp quy, Viện Đo lường, Cục Quản lý Chất lượng sản phẩm hàng hóa, Trung tâm Mã số mã vạch Quốc gia cùng một số các Trung tâm kỹ thuật địa phương đã có những tham luận chuyên sâu, tập trung vào các vấn đề: Công tác kiểm tra, khảo sát chất lượng SPHH, nhãn hàng hóa; thanh tra chuyên ngành; công tác hậu kiểm; đánh giá sự phù hợp; Công tác quản lý đo lường trong các lĩnh vực quản lý chuyên ngành; PTĐ nhóm 2; xăng dầu...
Ông Phạm Lê Cường, Giám đốc Trung tâm Chứng nhận Phù hợp (QUACERT) trình bày chuyên đề “Chứng nhận hệ thống truy xuất nguồn gốc và chứng nhận nông nghiệp hữu cơ”
Với lợi thế về nông nghiệp, Việt Nam bắt đầu triển khai xuất khẩu hàng nông nghiệp sang các thị trường khó tính như Trung Quốc, Hàn Quốc, EU… Từ ngày 1/1/2019 hàng nông sản Việt Nam muốn vào thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc cũng như muốn vào được thị trường EU theo Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam - EU (EVFTA) sắp được ký kết thì hàng nông sản Việt cần phải được chứng nhận Truy xuất nguồn gốc.
Đề cập đến mục tiêu đã được đặt ra của toàn ngành TCĐLCL, Tổng cục trưởng Trần Văn Vinh cho rằng, việc tổng kết và đánh giá hoạt động TCĐLCL địa phương luôn là một hoạt động rất cần thiết để thấy được thực trạng công tác quản lý nhà nước về TCĐLCL tại địa phương; qua đó tìm cách tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho các địa phương; để phổ biến cho các địa phương các quy định mới về TCĐLCL và đặc biệt để định hướng cho địa phương các hoạt động trọng tâm, trọng điểm trong công tác quản lý nhà nước về TCĐLCL.
Toàn cảnh Hội thảo
Năm 2018-2019, Tổng cục TCĐLCL đã và đang tiếp tục hoàn thiện hệ thống VBQPPL về TCĐLCL, tham mưu và trình cấp có thẩm quyền ban hành các VBQPPL như Nghị định số 74/2018/NĐ-CP ngày 15/5/2018 sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định số 132/2008/NĐ-CP; Nghị định số 78/2018/NĐ-CP ngày 16/5/2018 sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định số 127/2007/NĐ-CP ngày 01/8/2007; Nghị định số 154/2018/NĐ-CP ngày 09/11/2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số quy định về điều kiện đầu tư, trong lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Khoa học và và một số quy định về kiểm tra chuyên ngành... Đồng thời, bên cạnh đó, Tổng cục cũng đã tham mưu Bộ KHCN tham mưu, trình Chính phủ ban hành các Chương trình/Đề án về TCĐLCL cho giai đoạn mới, cụ thể:
Quyết định số 996/QĐ-TTg ngày 10/8/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án Tăng cường, đổi mới hoạt động đo lường hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Quyết định số 100/QĐ-TTg ngày 19/01/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc.
Để hỗ trợ Doanh nghiệp trong việc triển khai, áp dụng Hệ thống Truy xuất nguồn gốc, TT QUACERT tiến hành tổ chức các khóa đào tạo bồi dưỡng kiến thức về hoạt động truy xuất nguồn gốc cho các bộ, ngành, địa Phương và các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có yêu cầu. Với sự tham gia giảng dạy của các chuyên gia của NBC.
QUACERT hiện đang triển khai cung cấp dịch vụ chứng nhận Truy xuất nguồn gốc ứng dụng Blockchain.
Các Đơn vị, Doanh nghiệp & các AC&cB có nhu cầu xin vui lòng tham khảo Lịch đào tạo hoặc liên hệ lại Trung tâm theo số điện thoại 024.37561025 (Ms Hằng) nếu có nhu cầu đăng ký tham gia khóa học.
Tin bài: tcvn.gov.vn, vietq.vn, QUACERT.