Giảm 30% lượng điện tiêu thụ từ ứng dụng công nghệ thông tin
Công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) cho phép giảm 30% lượng điện tiêu thụ tại các thành phố. Đây là một dự án nghiên cứu của Trường Đại học Universidad Carlos III of Madrid (UC3M). Các kết quả đã được trình bày sau khi phân tích sự tối ưu hóa việc sử dụng điện của người dân và cơ sở hạ tầng.

bb43575a4_12.12.11enersip.gif

Dự án có tên ENERsip được thực hiện bởi liên minh 10 đối tác đến từ 5 quốc gia ở châu Âu do Công ty Tecnalia, Tây Ban Nha đứng đầu.

Các nhà nghiên cứu đã thiết kế, phát triển và thông qua một nền tảng công nghệ thông tin cho phép người sử dụng điện tiết kiệm đến 30% lượng điện tiêu thụ, bên cạnh đó họ cũng tích hợp các ứng dụng cài đặt để sử dụng năng lượng tái tạo, chẳng hạn như các tấm quang điện năng lượng mặt trời được lắp đặt trên mái nhà.

Chìa khóa để có được những kết quả này nằm ở hai chiến lược: giảm lượng điện tiêu thụ trong nhà (khoảng 15 đến 20%) và điều chỉnh mức tiêu thụ, phát điện trong các thành phố, quận, huyện (khoảng 15 đến 20%).

Đầu tiên, hệ thống cung cấp cho người sử dụng các thông tin liên quan đến việc tiêu thụ điện của họ, cho phép họ xác định các thiết bị sử dụng nhiều năng lượng nhất, sau đó đề xuất các giải pháp khả thi, cố gắng thay đổi một số hành vi và hướng dẫn thực hành tốt việc sử dụng điện; điều đó cho phép người sử dụng tiết kiệm hóa đơn tiền điện hàng tháng.

Giáo sư José Ignacio Moreno của UC3M giải thích: “Bằng cách này, nền tảng ENERsip cho phép các thiết bị tiêu thụ điện được theo dõi bởi mạng lưới cảm biến và cơ cấu chấp hành để người sử dụng có thể điều khiển từ xa bằng các ứng dụng trên internet”.

Ngoài ra, hệ thống mà các nhà nghiên cứu đã thiết kế có khả năng tự động chuyển đổi sang sử dụng nguồn năng lượng tái tạo trong phạm vi thành phố, quận, huyện; do đó làm giảm dòng năng lượng và kết quả làm giảm năng lượng tổn thất và chi phí.

Dự án này cũng nhằm mục tiêu hướng đến việc quản lý lưới điện thông minh và hiệu quả bằng cách sử dụng công nghệ thông tin, tiết kiệm lượng điện tiêu thụ lên đến 30%.

Để có được những kết quả này, các nhà nghiên cứu đã thử nghiệm trên các hệ thống máy tính mô phỏng khác nhau và thí điểm trong ba tòa nhà khác nhau ở Israel.

Theo báo cáo của dự án 2020 SMART, người ta ước tính rằng các ứng dụng công nghệ thông tin nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng có thể giúp tiết kiệm được khoảng 600 tỷ Euro trên toàn cầu trong năm 2020.


Theo nangluongvietnam