Phiên bản mới của tiêu chuẩn ISO/TS 22003 giúp tăng độ tin cậy đối với chứng nhận an toàn thực phẩm
Quay lại Bản in Yahoo
An toàn thực phẩm đã và đang trở thành một vấn đề quan trọng ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng. Hậu quả của việc sử dụng thực phẩm không an toàn có thể rất nghiêm trọng, do vậy Tổ chức tiêu chuẩn hóa quốc tế (ISO) đã ban hành Bộ tiêu chuẩn ISO 22000 nhằm giúp các tổ chức nhận dạng và kiểm soát được các mối nguy về an toàn thực phẩm. Mặc dù hàng ngàn chứng chỉ phù hợp tiêu chuẩn ISO 22000 đã được cấp nhưng lòng tin của người tiêu dùng đang giảm gần trong những năm gần đây, cũng là hồi chuông cảnh báo cho các tổ chức trong việc tạo niềm tin đối với khách hàng.

Là thành viên của nhóm đang nỗ lực thúc đẩy niềm tin của người tiêu dùng trong vấn đề an toàn thực phẩm, ông Jacob Faergamand tin rằng tiêu chuẩn ISO/TS 22003 mới được ban hành là một bước đột phá cho các tổ chức chứng nhận trong ngành công nghiệp thực phẩm. Với một sự thay đổi lớn so với phiên bản ban hành lần đầu vào năm 1997, tiêu chuẩn kỹ thuật mới này nhằm mục đích cải tiến cách thức các tổ chức chứng nhận chứng nhận cho các công ty trong ngành thực phẩm. Ông Faergemand, đồng sáng lập nhóm chuyên gia phát triển tiêu chuẩn ISO/TS 22003 đã giải thích rõ hơn về phiên bản mới của tiêu chuẩn và lợi ích đối với các bên liên quan.

“Tiêu chuẩn ISO/TS 22003 mang tính quyết định đối với ngành công nghiệp thực phẩm”

Thực phẩm không an toàn luôn là một vấn đề bức thiết liên quan đến sức khỏe con người, rất nhiều các vấn đề về an toàn thực phẩm mà chúng ta gặp phải hôm nay không hề mới. Mặc dù, không một tiêu chuẩn nào có thể giải quyết được tất cả các vấn đề, nhưng tiêu chuẩn ISO/TS 22003 sẽ vạch ra một lộ trình dài hơi để xây dựng lòng tin đối với chứng nhận trong chuỗi cung ứng thực phẩm. 

Tiêu chuẩn kỹ thuật này đưa ra các quy định, chẳng hạn, năng lực chuyên gia đánh giá và thời lượng đánh giá mà tổ chức chứng nhận cần thực hiện. Nếu tổ chức chứng nhận mong muốn đạt được công nhận thì tổ chức công nhận sẽ đánh giá và xác định xem tổ chức đó có thực hiện theo đúng các yêu cầu của tiêu chuẩn ISO/TS 22003 hay không?

Trong khi việc chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn ISO 22000:2005 không phải là một yêu cầu của tiêu chuẩn, trong một số trường hợp, việc chứng nhận dường như là cần thiết đối với khách hàng, các cơ quan quản lý hoặc chỉ là một chiến lược marketing, thì tiêu chuẩn ISO/TS 22003 sẽ giúp nâng cao độ tin cậy từ chính cách thức mà tổ chức trong chuỗi cung ứng thực phẩm đạt chứng nhận.

Thay đổi chính trong tiêu chuẩn ISO/TS 22003

Thay đổi lớn nhất trong phiên bản mới của tiêu chuẩn ISO/TS 22003 mà tổ chức chứng nhận sẽ phải thực hiện là việc chuyển đổi từ “phương pháp tiếp cận dựa trên khả năng chuyên môn” (qualification-based approach) sang “phương pháp tiếp cận dựa trên năng lực toàn diện” (competence-based approach) đối với các khái niệm về yêu cầu năng lực của chuyên gia đánh giá.

Tiêu chuẩn kỹ thuật mới cũng cụ thể hơn tiêu chuẩn chung ISO/IEC 17021 và bao gồm yêu cầu liên quan đến ngành thực phẩm mà tổ chức chứng nhận cần phải thực hiện.

ISO/TS 22003 nên được xem như một cơ hội cho các tổ chức chứng nhận cho dù là chứng nhận "sản phẩm" hay chứng nhận "hệ thống quản lý". Trong tương lai, tiêu chuẩn ISO/TS 22003 sẽ rất quan trọng trong ngành công nghiệp thực phẩm trong việc tìm ra giải pháp chứng nhận tiết kiệm chi phí hơn. Nhóm công tác đã phát triển theo tiêu chuẩn ISO/TS 22003 thừa nhận rằng chủ nhiệm chương trình chứng nhận, các tổ chức công nhận, các tổ chức chứng nhận và cơ quan quản lý về vấn đề thực phẩm cần phải ngồi lại với nhau để thảo luận về các phương án. Ủy ban ISO về đánh giá sự phù hợp (ISO/CASCO) và các tiểu ban ISO chịu trách nhiệm về hệ thống quản lý an toàn thực phẩm (ISO/TC 34/SC 17) đang xem xét cách thức để thực hiện để đưa ra kết luận cho vấn đề này.

Thu Hà – Phòng IT – Biên dịch theo ISO.org
Cập nhật: 27/12/2013
Lượt xem: 20110
Lên trên