ĐBSCL: Sản xuất cây ăn trái theo tiêu chuẩn GAP còn quá ít ỏi
Quay lại Bản in Yahoo
Nam Bộ là vùng sản xuất trái cây trọng điểm cả nước, với hơn 416 nghìn ha, sản lượng khoảng 4,3 tấn, chiếm 53,2% diện tích và 57% về sản lượng, trong đó đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) chiếm diện tích gần 300 nghìn ha. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay, ở ĐBSCL chỉ mới có khoảng 0,14% diện tích cây ăn trái được chứng nhận sản xuất theo quy trình GAP.

Tại khu vực ĐBSCL chỉ có 38 ha bưởi da xanh ở Bến Tre được sản xuất theo quy trình VietGAP đã được chứng nhận và gắn kết thị trường trong và ngoài nước. Ông Lê Tân Kỳ, Chủ nhiệm HTX bưởi da xanh Mỹ Thạnh An, TP Bến Tre cho biết: 20 xã viên HTX Mỹ Thạnh An đang canh tác bảy ha bưởi da xanh đã rất hài lòng với việc sản xuất trái cây theo quy trình VietGAP. Nhờ vậy nên sau một năm hết hạn chứng nhận bà con đã góp 30 triệu đồng đóng phí cho Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng III tại TP Hồ Chí Minh đến kiểm chứng tái chứng nhận VietGAP. “Để nhà vườn có nhiều hứng thú trong việc sản xuất trái cây theo quy trình VietGAP thì Nhà nước cần tuyên truyền cho nhà vườn sản xuất trái cây sạch để bán được nhiều thị trường, thay vì tuyên truyền sản xuất trái cây theo quy trình GAP để bán được giá”- ông Kỳ khẳng định. Vì, bán được nhiều thị trường thì trái cây sẽ bán được giá còn sản xuất trái theo tiêu chuẩn GAP mà không bán được nhiều thị trường thì chưa chắc được giá. Thực tế mỗi năm HTX sản xuất được khoảng 70 tấn và theo đó HTX chào bán rất nhiều thị trường nên trái bưởi da xanh có giá rất cao. Hiện tại, trái bưởi da xanh của HTX Mỹ Thành An bán tại vườn đang ở mức giá 33 nghìn đồng/kg loại một kg trở lên.

Ngoài thanh long và bưởi da xanh, xoài cát Hòa Lộc hiện cũng chỉ mới có 32 ha ở hai tỉnh Đồng Tháp và Tiền Giang được chứng nhận VietGAP. Bên cạnh đó, chôm chôm, quýt hồng Lai Vung, nhãn tiêu da bò thuộc diện đạt tiêu chuẩn GAP còn rất khiêm tốn, hiệu quả chưa cao. 

Bên cạnh những mô hình GAP thành công thì cũng có những mô hình trong quá trình triển khai thực hiện còn vướng nhiều hạn chế như: sản xuất chưa gắn kết với thị trường nên khi đạt chứng nhận VietGAP, GlobalGAP lại không tìm được nhiều thị trường xuất khẩu hoặc không ổn định. Trong khi đó, bán trái cây đạt tiêu chuẩn GAP trong nước thì thương lái thu mua sản phẩm với giá ngang bằng trái cây thông thường, thu lợi nhuận không cao nên một số địa phương nhà vườn xin ra khỏi HTX để sản xuất bình thường. HTX xã vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim (Châu Thành, Tiền Giang) và HTX bưởi Năm Roi Mỹ Hòa (Bình Minh, Vĩnh Long) là một minh chứng, mặc dù, đây là những đơn vị đầu tiên ở nước ta đã đạt được chứng nhận GlobalGAP do Hiệp hội bán lẻ Châu Á xây dựng được áp dụng trên toàn cầu. 

Cái khó trong việc người dân quay lưng với chứng nhận GAP một phần do thiếu sự gắn kết giữa sản xuất và tiêu thụ, sự chia sẻ quyền lợi của nhà kinh doanh cho nhà sản xuất. Doanh nghiệp chưa đánh giá đúng mức giá trị hàng GAP nên chỉ thu mua cầm chừng, chủ yếu lấy tiêu chuẩn GAP để kinh doanh. Điều này gây hiệu ứng ngược lại cho người mua hàng không biết đâu là trái cây theo tiêu chuẩn GAP. Trái cây đạt tiêu chuẩn GAP chưa có kênh tiêu thụ riêng nên sản phẩm được chứng nhận GAP đang bị giới kinh doanh lợi dụng trục lợi, còn nhà vườn thì chẳng được lợi gì từ việc sản xuất trái cây theo quy trình GAP. 

Theo Thạc sĩ Đoàn Hữu Tiến, thuộc Viện cây ăn quả Miền Nam, diện tích trái cây sản xuất theo quy trình GAP ở ĐBSCL cón ít là do chi phí chứng nhận còn quá cao so với túi tiền của nhiều tổ chức và cá nhân tham gia. Một mô hình sản xuất cây ăn trái theo GlobalGAP, chi phí tối thiểu là 3.500 USD, chưa kể chi phí phân tích mẫu đất, nước, trái…Còn mô hình sản xuất theo tiêu chẩu VietGAP hơn 8,7 ha ở Bến Tre phải tốn riêng chi phí chứng nhận là 26 triệu đồng, chưa tính các chi phí khác…là quá cao so với túi tiền của những nông hộ. Chính vấn đề này đã dẫn đến tình trạng nhiều mô hình chỉ chứng nhận được lần đầu là do có sự hỗ trợ của Nhà nước còn việc tái chứng nhận lần hai, lần ba thì nhà vườn không có tiền đóng góp. 

Từ thực tế trên, tại Hội thảo sản xuất cây ăn trái theo tiêu chuẩn GAP tổ chức tại Tiền Giang sáng 4-12, Cục Trồng trọt kiến nghị các Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công thương, Bộ Y tế cần tăng cường phối hợp để từng bước tạo lập thị trường tiêu thụ sản phẩm an toàn ở trong nước. Trước mắt, cần quy định bắt buộc một số khu vực như: siêu thị, nhà hàng, bếp ăn tập thể, cửa hàng bán lẻ; tổ chức, cá nhân chế biến, xuất khẩu…phải tiêu thụ sản phẩm an toàn, có địa chỉ, có nguồn gốc…Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh thành cần tham mưu cho UBND tỉnh sớm ban hành các cơ chế, chính sách, phê duyệt các chương trình mục tiêu, dự án để đẩy mạnh áp dụng GAP trong sản xuất và tìm đầu ra cho nông sản.

Tấn Vũ –Nhân dân online
Cập nhật: 24/09/2013
Lượt xem: 19585
Lên trên