Hiện nay, ngày càng có nhiều tổ chức/doanh nghiệp xây dựng và áp dụng nhiều hơn một hệ thống quản lý như hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001, hệ thống quản lý môi trường ISO 14001, hệ thống quản lý an toàn và sức khỏe nghề nghiệp OHSAS 18001, hệ thống quản lý an toàn thực phẩm ISO 22000, hệ thống quản lý an toàn thông tin ISO/IEC 27001…nhằm kiểm soát các khía cạnh hoạt động khác nhau trong doanh nghiệp. Những hệ thống quản lý này thường được xây dựng và triển khai riêng biệt hoặc chỉ mới tích hợp một phần các quá trình quản lý chung như kiểm soát tái liệu, kiểm soát hồ sơ…, Đặc biệt ở một số doanh nghiệp những hệ thống này còn độc lập với nhau và độc lập với cả hệ thống quản trị chung. Theo nguyên tắc vận hành của các tiêu chuẩn này thì về cơ bản tất cả các hệ thống quản lý đều có phương pháp tiếp cận chung và chúng có thể được kiểm soát, vận hành và áp dụng theo một cách tích hợp. Việc triển khai áp dụng tích hợp như vậy sẽ tránh rườm rà trùng lắp và tận dụng được tối ưu nguồn lực của tổ chức/doanh nghiệp.
Để tạo thuận lợi cho việc tích hợp các hệ thống quản lý và quản trị các rủi ro trong tổ chức, Viện Tiêu chuẩn Anh (BSI) đã ban hành tiêu chuẩn PAS 99:2006 nhằm qui định các yêu cầu đối với hệ thống quản lý tích hợp. Tiêu chuẩn này hướng dẫn việc thực hiện yêu cầu chung của các hệ thống quản lý và các quy định về tích hợp khác. Tổ chức/doanh nghiệp có thể xây dựng và chứng nhận hệ thống quản lý tích hợp PAS 99:2006 cho ít nhất 2 trong số các hệ thống quản lý sau:
ISO 9001 -- Hệ thống quản lý chất lượng
ISO 14001 -- Hệ thống quản lý môi trường
OHSAS 18001 -- Hệ thống quản lý an toàn và sức khỏe nghề nghiệp
ISO/IEC 27001 -- Hệ thống quản lý an toàn thông tin
ISO 22000 -- Hệ thống quản lý an toàn thực phẩm
ISO/IEC 20000-- Hệ thống quản lý dịch vụ công nghệ thông tin
Việc áp dụng PAS 99:2006 nhằm giúp các tổ chức, doanh nghiệp đạt được các lợi ích thông qua việc hợp nhất các yêu cầu chung trong các tiêu chuẩn về hệ thống quản lý và triển khai, kiểm soát chúng một cách hiệu quả. Những lợi ích đem lại bao gồm:
Giảm thiểu mâu thuẫn giữa các hệ thống quản lý đơn lẻ;
Giảm thiểu sự trùng lắp và phát sinh giấy tờ từ các hệ thống đơn lẻ;
Giúp quá trình đánh giá nội bộ/bên ngoài giảm thời gian, tiết kiệm chi phí và hiệu quả hơn;
Nâng cao khả năng kiểm soát các hoạt động của doanh nghiệp;
Tiếp cận tốt hơn đối với kiểm soát các rủi ro trong kinh doanh.