GLOBALG.A.P. đưa gạo thơm đặc sản Sóc Trăng ra thế giới

                      Từ lâu Sóc Trăng được xem là “cái nôi” trồng lúa thơm của Đồng bằng sông Cửu Long. Tỉnh có khoảng 148.000 ha đất trồng lúa. Trong đó, diện tích nông dân trồng lúa đặc sản chiếm gần 44%. Đây là thành quả từ nỗ lực dành nguồn vốn đầu tư nghiên cứu và ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ cho cây lúa. Trong những năm gần đây, Sóc Trăng đã dành gần 9 tỷ đồng để thực hiện 20 đề tài, dự án về nghiên cứu chọn tạo và phục tráng các giống lúa. Nổi bật các chương trình lai tạo lúa thơm dòng ST. Từ đó, nhiều thương hiệu như gạo ST bước đầu tạo được niềm tin với khách hàng trong và ngoài nước.

                       Ðến nay đã có 21 giống lúa thơm đặc sản ST được chọn lọc, điển hình như ST1, ST3, ST5, ST8, ST10, ST 20. Riêng ST20 cho hạt gạo thơm dài, cơm mềm dẻo, thơm mùi hương dứa (nếp), hương cốm được coi là giống lúa thơm chủ lực, đặc sắc nhất không chỉ của Sóc Trăng mà của cả Việt Nam, với năng suất cao từ 6,5 đến 7 tấn/ha, chất lượng đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, thích nghi đồng đất Sóc Trăng. Hiện tại tổng sản lượng lúa của Sóc Trăng luôn đạt từ 2 đến 2,2 triệu tấn/năm.

                      Theo "Ðề án Phát triển sản xuất lúa đặc sản đến năm 2015 theo mô hình cánh đồng mẫu lớn", tỉnh quy hoạch vùng sản xuất lúa thơm đặc sản ở 34 xã thuộc bốn huyện Trần Ðề, Mỹ Xuyên, Ngã Năm, Thạnh Trị. Năm 2012 - 2013, toàn tỉnh đã gieo trồng lúa thơm đặc sản chất lượng cao hai vụ (đông xuân - hè thu) được hơn 59 nghìn ha, trong đó, diện tích trồng lúa thơm ST nhiều nhất với 17.891 ha, còn lại là giống tài nguyên mùa và giống lúa thơm nhẹ khác.

                     Việc phát triển vùng sản xuất lúa thơm đặc sản chất lượng cao xuất khẩu của tỉnh Sóc Trăng không chỉ khẳng định hướng đi đúng trong việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp mà còn nâng cao thu nhập cho nông dân, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh cho hạt gạo Việt Nam trên thị trường quốc tế. Hiệu quả mang tính chiều sâu là đã xóa bỏ được tập quán chọn giống trôi nổi ngoài thị trường mà không cần biết tên giống, nguồn gốc và một số đặc tính nông học cơ bản của giống lúa.


Ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với bà con nông dân

                    Doanh nghiệp tư nhân Hồ Quang Trí là một trong những đơn vị tiên phong của tỉnh Sóc Trăng về cung ứng lúa giống và bao tiêu lúa tươi cho các hộ dân niên vụ Đông Xuân 2012-2013 ở các huyện Châu Thành, Ngã Năm, Trần Đề thuộc tỉnh Sóc Trăng. Theo đó doanh nghiệp đã ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với các hộ dân trồng lúa trên 700 ha, tổng sản lượng trên 4.000 tấn/năm. Doanh nghiệp cam kết cung cấp ổn định giống lúa thơm chất lượng cao ST20 và bao tiêu sản phẩm lúa cho bà con.

                  Ngoài vấn đề về giống, doanh nghiệp còn áp dụng nhiều biện pháp kỹ thuật để nâng cao năng suất, duy trì ổn định chất lượng như sử dụng phương pháp chọn tạo giống truyền thống kết hợp với các phương pháp hiện đại để thúc đẩy hiệu quả tốt hơn; phát triển công nghệ hạt giống của doanh nghiệp theo hệ thống bài bản, từ kỹ thuật sản xuất hạt giống, kiểm tra chất lượng hạt giống đến theo dõi quản lý thị trường hạt giống; đưa máy cấy vào canh tác kết hợp với gieo mạ trong khay...

                  Tuy nhiên, mong muốn bao tiêu sản phẩm cho bà con nông dân tại các huyện trong tỉnh Sóc Trăng, hướng tới xuất khẩu sản phẩm ra thị trường nước ngoài của doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn về hàng rào kỹ thuật do các đòi hỏi cao cả về chất lượng sản phẩm và quy trình quản lý sản xuất. Để đảm bảo quản lý được quy trình trồng lúa gắn liền với nâng cao năng suất chất lượng, bảo vệ môi trường, phát triển bền vững đòi hỏi người dân phải áp dụng chung một quy trình từ chọn giống đến chăm sóc, thu hoạch, bảo quản. Trong khi người dân sản xuất mỗi hộ một khác, nên chất lượng sản phẩm không đồng đều gây khó khăn cho doanh nghiệp trong quá trình thu mua xuất khẩu.

                    Thực tế này đòi hỏi doanh nghiệp phải tìm phương thức thích hợp để áp dụng chung cho bà con trong tổ hợp tác cũng như có sự đảm bảo về chất lượng đối với sản phẩm đầu ra xuất ra thị trường thế giới. Doanh nghiệp nhận thức được rằng, có giống, có kỹ thuật rồi nhưng cái thiếu và yếu của doanh nghiệp, cũng là của nông dân nói chung đó chính là quản lý.

                  May mắn với doanh nghiệp, vào tháng 5 năm 2013 Sở nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng nhận được công văn của Trung tâm Chứng nhận Phù hợp QUACERT về việc đề nghị giới thiệu doanh nghiệp tham gia dự án hỗ trợ xây dựng mô hình chứng nhận thực hành nông nghiệp tốt theo tiêu chuẩn GLOBALG.A.P. Sau khi được SNNPTNT giới thiệu, doanh nghiệp đã nhận được sự hỗ trợ từ nhiệm vụ “Xây dựng chương trình thúc đẩy đánh giá chứng nhận hệ thống quản lý năng lượng (ISO 50001) và Global G.A.P. Ký mã hiệu: 03.9/2013-DA2” Thuộc Dự án “Thúc đẩy hoạt động năng suất và chất lượng” thuộc Chương trình quốc gia “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020”.

Máy cấy lúa 6 hàng do tỉnh hỗ trợ

                  Chương trình đã giúp doanh nghiệp xây dựng được hệ thống quy trình tài liệu áp dụng trong trồng lúa. Điều này giúp tạo nền tảng về mặt phương pháp, đảm bảo thống nhất cho các hộ tham gia từ khâu cải tạo đất đến gieo trồng, chăm sóc và thu hoạch. Việc tập huấn, hướng dẫn cho bà con nông dân trong tổ hợp tác áp dụng các quy trình quản lý tiên tiến cũng là một quá trình gian khó và kiên trì. Qua đó đã giúp tạo lập thói quen ghi chép nhật ký sản xuất, theo dõi chính xác thời gian sinh trưởng của cây, sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật đúng cách, có nhãn nhận biết thửa nào phun thuốc gì, thời gian nào, đảm bảo đúng yêu cầu kỹ thuật, thời gian cách ly.

                   Các hộ tham gia trong nhóm sản xuất của doanh nghiệp đã biết cách lưu hồ sơ sản xuất giúp truy xuất được nguồn gốc sản phẩm từ khâu gieo trồng đến chế biến. Ngoài ra còn đảm bảo về bảo vệ môi trường do áp dụng kỹ thuật tiên tiến, hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật tiến tới phát triển bền vững. Bà con giờ đã biết cách bảo vệ môi trường và sức khỏe cho chính bản thân và gia đình. Việc sử dụng hợp lý phân bón, thuốc bảo vệ thực vật còn giúp các hộ dân tiết kiệm chi phí vật tư mang lại hiệu quả cho sản xuất.

                     Sau quá trình xây dựng hệ thống tài liệu và tập huấn, doanh nghiệp đã áp dụng được trong 5 tháng và đã được trung tâm Chứng nhận Phù hợp (QUACERT) đánh giá, cấp giấy chứng nhận số GLOBALG.A.P. 0030.13.01/GGN 4052852657884.

                     Những thành tựu trong nghiên cứu, chọn tạo giống lúa thơm đã giúp tạo ra sản phẩm tốt, nhưng chính việc tuân thủ quy trình sản xuất đã tạo ra sản phẩm tốt ổn định, qua đó khẳng định được uy tín cho lúa thơm đặc sản Sóc trăng của doanh nghiêp. Vì vậy lúa thơm Sóc Trăng đã có thể thâm nhập các thị trường nhập khẩu lớn như Trung Quốc, Châu Phi. Giá của gạo thơm Sóc Trăng cũng luôn ổn định với mức giá từ 20.000 đồng đến 25.000 đồng/kg. Chúng tôi nhận định việc nhận được hỗ trợ của nhiệm vụ để xây dựng hệ thống thực hành nông nghiệp tốt theo GLOBAL G.A.P là bước đi đúng hướng, giúp doanh nghiệp có thêm công cụ để kiểm soát từ khâu đầu tiên là sản xuất giống, khâu trung gian là sản xuất lúa của các hộ nông dân, khâu cuối cùng là thu mua và chế biến thành phẩm.

                      Hướng phát triển sắp tới của doanh nghiệp là kết hợp với các nhà sản xuất có tâm huyết, có diện tích sản xuất lớn để mở rộng diện tích gieo trồng lúa đặc sản và chứng nhận hướng tới khách hàng thu nhập trên trung bình trong nước và xuất khẩu.

                     Doanh nghiệp cũng xin chân thành cảm ơn ban chủ nhiệm chương trình đã tạo điều kiện để doanh nghiệp tiếp cận với tiêu chuẩn GLOBALG.A.P., mở ra hướng đi mới cho quá trình sản xuất cũng như xuất khẩu gạo thơm Sóc Trăng.

Trích Kỷ yếu Hội nghị Chất lượng